Số liệu từ Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 ước đạt hơn 1,3 triệu lượt người, tăng 11,3% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 10,5 triệu lượt khách, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều điểm đến mới lạ
Theo phiếu điều tra khách quốc tế đến Việt Nam tại các cửa khẩu quốc tế, có đến 60% khách đi theo hình thức tự túc. Kết quả này tương đồng với những phân tích báo cáo từ các hãng hàng không công bố gần đây, cho thấy khách quốc tế đã chủ động lựa chọn dịch vụ qua mạng hoặc đến Việt Nam mới lựa chọn dịch vụ land tour, đồng nghĩa với dịch vụ của Việt Nam đã khá phát triển mang lại nhiều lựa chọn cho du khách. Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị truyền thông Công ty Fiditour, cho biết lượng khách đăng ký tour du lịch trong nước tại Fiditour ngày càng tăng trong 2 - 3 năm trở lại đây, cho thấy bức tranh du lịch nội địa có nhiều khởi sắc. Nhiều điểm đến mới lạ được giới thiệu đến du khách; cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các điểm đến ngày càng được hoàn thiện và phát triển; môi trường du lịch được cải thiện, nhiều điểm đến an toàn, thân thiện hơn…
Một số điểm đến như vịnh Hạ Long, quần thể di tích Tràng An - Ninh Bình, hệ thống hang động ở Quảng Bình hay Phú Quốc, Côn Đảo đã trở thành điểm đến hấp dẫn, quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước. "Nóng sốt" không kém là làng thổ dân trong bối cảnh phim "Kong: Skull Island" ở Ninh Bình.
Ngoài ra, những tour trải nghiệm mùa nước nổi miền Tây, du lịch thưởng ngoạn hoa Tây Bắc, hoa dã quỳ Tây Nguyên, thiên đường biển Phú Quốc (sau Nha Trang, giờ khách Nga đã chuyển hướng sang biển Phú Quốc) cũng được bổ sung các điểm nhấn mới. Ở Hội An (Quảng Nam) có sô diễn thực cảnh "Ký ức Hội An" cũng đang thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước… Đồi Mộng Mơ, thung lũng Tình Yêu ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)... gần đây đã được làm mới để thu hút du khách.
Rất đông du khách tham quan Tháp bà Ponagar Nha Trang. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nỗ lực lấy lòng du khách
Bên cạnh những điểm đến, các doanh nghiệp lữ hành cũng hết sức nỗ lực để kích cầu du lịch thông qua hàng loạt sản phẩm dịch vụ cung ứng ra thị trường. Đại diện Saigontourist cho biết nhiều du khách đã quan tâm đến sản phẩm tour nội địa, đặc biệt là các tour tiết kiệm. "Trước tiên phải ghi nhận nỗ lực bền bỉ của các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành trong việc liên kết với nhau để cung cấp đến khách hàng mức giá tốt nhất để kích cầu du lịch. Ví dụ, tại Saigontourist vào mỗi mùa đều có các chùm tour tiết kiệm liên kết các đối tác hàng không. Bên cạnh đó là nỗ lực làm mới sản phẩm tại các địa phương" - vị đại diện này diễn giải.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, những xu hướng mới của du lịch thế giới như: tăng trải nghiệm, du lịch đơn thân, du lịch chia sẻ, sáng tạo, có trách nhiệm và ứng dụng công nghệ cao 4.0... đang tạo nên bước chuyển sang màu sắc mới, đòi hỏi ngành du lịch phải thay đổi và thích ứng với những xu hướng này. "Liên kết đang mở ra cơ hội phát triển đồng thời là một thách thức, yêu cầu ngày càng cao đối với các điểm đến, các đối tác tham gia trong chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu" - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Hiểu rõ những cơ hội lẫn thách thức đó, các công ty du lịch cho rằng ngoài 2 yếu tố chính là sản phẩm hấp dẫn với giá tốt, ngành du lịch cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế về hạ tầng, dịch vụ… để lấy lòng du khách. Môi trường du lịch tại điểm đến phải được bảo đảm, tạo sự an tâm cho du khách đồng thời kiên quyết xóa bỏ những hình ảnh tiêu cực gây ảnh hưởng đến bộ mặt du lịch của địa phương. Đà Nẵng đã làm rất tốt trong việc nói không với nạn ăn xin, bán hàng rong tại những khu vực có đông khách du lịch. Bên cạnh đó, cần cần ưu tiên quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường trọng điểm, nới lỏng hơn nữa chính sách cấp thị thực để thu hút thêm du khách quốc tế.