Chuyện dễ hiểu mà khó phân xử
Làn sóng biểu tình hiện tại ở Hồng Kông được coi là đông đảo nhất và sôi động nhất kể từ khi xứ này được Anh trả lại cho Trung Quốc.
Nguyên do khiến lần này đông đảo dân Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối chính quyền là dự luật chính quyền Hồng Kông định thông qua về dẫn độ tội phạm sang đại lục Trung Quốc, Macau và Đài Loan. Với cả ba, Hồng Kông cho tới nay chưa có thỏa thuận về dẫn độ.
Chính quyền Hồng Kông không phải vô cớ và vô lý khi xây dựng bộ luật mới này. Theo dự thảo hiện tại thì Hồng Kông sẽ dẫn độ tội phạm về 3 nơi kia để tránh cho Hồng Kông trở thành bến bờ an toàn cho những kẻ phạm tội bị truy nã ở ba nơi kia.
Trung Quốc dành cho Hồng Kông quy chế của một đặc khu hành chính với những quyền tự trị rất sâu rộng, trong đó có cả về lập pháp.
Bộ luật mới này giúp Hồng Kông không còn buộc phải chứa chấp những kẻ tội phạm đến từ 3 nơi kia và giúp Trung Quốc ngăn chặn được việc những kẻ phạm tội và bị truy nã ở Trung Quốc bỏ trốn sang Hồng Kông, cũng như được dẫn độ về từ Hồng Kông những kẻ phạm pháp và bị truy nã đã chạy trốn được sang Hồng Kông.
Với Macau, chính quyền Hồng Kông không gặp phải trở ngại gì khi thông qua bộ luật này. Nhưng với Đài Loan thì lại không được như vậy. Điều Đài Loan lo ngại ở dự luật này không phải là Hồng Kông dẫn độ tội phạm người Đài Loan về Đài Loan mà lo ngại Hồng Kông vận dụng luật này để dẫn độ tội phạm người Đài Loan về Trung Quốc lục địa.
Những người ở Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối dự luật bởi cho rằng luật này phục vụ cho mục tiêu chính trị của Trung Quốc là chính, nghĩ rằng quyền tự trị của Hồng Kông bị bào mòn, lo ngại Trung Quốc đại lục tăng cường chi phối và kiểm soát Hồng Kông.
Mô hình "Một đất nước, hai chế độ"
Chuyện về dự luật này dễ hiểu bao nhiêu thì lại khó xử lý bấy nhiêu đối với chính quyền Hồng Kông và cả Trung Quốc cũng như Đài Loan.
Hồng Kông kể từ sau năm 1997 gắn liền với mô hình "Một đất nước, hai chế độ" của Trung Quốc. Nhìn vào những diễn biến ở Hồng Kông về mọi phương diện có thể đánh giá được mức độ thành công hay thất bại của Trung Quốc trong việc thực hiện mô hình kia ở Hồng Kông. Trung Quốc cần thành công với mô hình này ở Hồng Kông để áp dụng cho Macau và cho Đài Loan.
Đối với Trung Quốc, thu hồi Hồng Kông và Macau chỉ là chuyện nhỏ bởi sau khi thời hạn thỏa thuận đã hết thì Anh phải trả lại Hồng Kông và Bồ Đào Nha phải trả lại Macau cho Trung Quốc chứ không thể khác.
Đài Loan không như thế đối với Trung Quốc. Chừng nào Đài Loan còn được Mỹ bảo vệ, chừng đó Trung Quốc không thể thống nhất Đài Loan bằng biện pháp quân sự và chừng đó Trung Quốc chỉ có cách là làm sao để Đài Loan tự nguyện thống nhất với Trung Quốc.
Mô hình "Một đất nước, hai chế độ" càng thành công ở Hồng Kông và Macau thì sức quyến rũ của nó đối với Đài Loan càng khó cưỡng lại được và tác động của nó tới Đài Loan càng thêm mạnh mẽ.
Biểu tình như hiện tại ở Hồng Kông phản đối chính quyền Hồng Kông hay Trung Quốc đều không phải là bằng chứng về thành công của mô hình kia của Trung Quốc ở Hồng Kông.
Sau 22 năm thực hiện mô hình ấy mà ở Hồng Kông vẫn xảy ra chuyện như hiện tại thì khó có thể xác nhận là việc áp dụng nó ở Hồng Kông cho đến nay hoàn toàn suôn sẻ và chỉ thành công đối với Trung Quốc.
Cuộc biểu tình hôm 9/6 tại Hồng Kông. Ảnh: CNN.
Đài Loan hiện lo ngại về hệ lụy như nêu ở trên của dự luật nhưng đồng thời cũng để ý đến Trung Quốc thực hiện mô hình ấy như thế nào ở Hồng Kông.
Biểu tình như hiện tại xảy ra ở Hồng Kông cho thấy phong trào được Phương Tây gọi là dân chủ và dân quyền ở xứ này cả sau 22 năm Hồng Kông về với Trung Quốc vẫn còn rất đáng kể và bất lợi cho Trung Quốc, nội bộ xã hội ở Hồng Kông chưa thay đổi biểu hiện và chuyển biến bản chất đến được mức độ như Trung Quốc mong đợi và xứ này vẫn là điểm nóng về chính trị đối nội, pháp lý và cả đối ngoại đối với Trung Quốc.
Bộ luật kia chắc rồi sẽ được chính quyền Hồng Kông thông qua và vì thế mối bất hòa như hiện tại đang thấy giữa đông đảo dân chúng ở Hồng Kông với chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc chưa thể được giải quyết.
Cho tới nay, chính quyền ở Hồng Kông đã một vài lần nhượng bộ phe biểu tình phản đối, nhưng lần này xem ra kiên quyết không nhượng bộ.
Chính quyền Hồng Kông dường như ý thức được rằng chuyện lần này có ý nghĩa rất quyết định bởi nếu lại nhượng bộ thì rồi tới đây sẽ còn phải tiếp tục nhượng bộ trong khi phe biểu tình cũng hiểu rằng nếu lần này bị thua thì rồi những lần tới cũng sẽ bị thua.
Trung Quốc muốn bộ luật được thông qua nhưng lại phải hết sức tránh vì thế mà hỗn loạn và bạo lực ở Hồng Kông. Chuyện không khó hiểu nhưng khó giải quyết chính vì thế.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.