Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, Sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni về những những nhận định của ông về thị trường chứng khoán và cơ hội đầu tư cổ phiếu dài hạn.
PV: Vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, thị trường chứng khoán đã giảm liên tục kể từ sau tết. Nhiều nhà đầu tư đã bị thua thiệt khá lớn. Nhưng trong các bài viết mới đây về tài chính cá nhân, anh lại tuyên bố, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tốt cho đầu tư dài hạn?
Giả sử, vào ngày 28/7/2000, một nhà đầu tư tên X đầu tư 100 triệu đồng vào cổ phiếu tương tự như Vn-Index thì ngày 22/1/2020 số tiền của anh ta tương đương với 991,46 triệu đồng. Tỷ suất trung bình 1 năm của anh là 12,5%/năm. Nếu tính cả hiệu ứng của cổ tức thì tỷ suất sinh lợi của anh X từ cổ phiếu trung bình VnIndex này sẽ khoảng 12,7% - 13%/năm.
Bị ảnh hưởng của dịch covid 19, số tiền của anh X đã giảm từ 991,46 triệu vào ngày 22/1/2020, xuống còn còn 745,78 triệu vào ngày 17/3/2020. Anh X mất đến 24,78%, chỉ trong vòng 55 ngày. Một sự sụt giảm rất lớn.
Tuy vậy, tính về hiệu quả đầu tư: 100 triệu từ ngày 28/7/2020, và đạt 745,78 triệu vào ngày 17/3/2020, anh X vẫn đạt tỷ suất lợi nhuận trung bình là: 10,8%/năm. Nếu tính cả hiệu ứng của cổ tức thì tỷ suất sinh lợi của anh A từ cổ phiếu trung bình VnIndex này sẽ khoảng 11% - 11,3%/năm. Đây là mức tỷ suất sinh lợi khá tốt.
Đầu tư đường dài có tỷ suất sinh lợi tốt như vậy nên tôi mới khuyến khích các cá nhân nhất là những người không chuyên, những nhà đầu tư nghiệp dư nên đầu tư dài hạn.
Làm thế nào để khẳng định rằng thị trường chứng khoán luôn tăng trong dài hạn?
Doanh nghiệp là bộ phận cấu thành chính yếu của nền kinh tế. Về mặt lý thuyết, giá trị tăng trưởng của tất cả các doanh nghiệp sẽ rất gần với sự tăng trưởng GDP. Và vì doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là những doanh nghiệp đã được sàng lọc, có hiệu quả kinh doanh tốt nên mức tăng trưởng của chúng sẽ cao hơn sự tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này đã được chứng minh hàng thế kỷ nay tại các nước phát triển, và được chứng minh tại Việt Nam trong 20 năm qua.
Trong ví dụ của anh thì nhà đầu tư X đầu tư vào cổ phiếu trung bình, tức là bằng với VnIndex. Trong thực tế thì có rất nhiều loại cổ phiếu với có tỷ suất sinh lợi trung bình khác nhau: âm, thấp hơn, bằng và cao hơn VnIndex. Vậy nhà đầu tư dài hạn chọn cổ phiếu bằng cách nào?
Nguyên tắc của đầu tư ngắn hạn là dự đoán xu hướng giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Trong khi đó nguyên tắc quan trọng và cũng là bước lọc đầu tiên của đầu tư dài hạn, đó phải tìm ra những cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi trung bình hàng năm cao, liên tục trong quãng thời gian dài.
Để mọi người dễ hình dung, tôi xin xin được dùng từ "phong độ" và "đẳng cấp" trong bóng đá.
Trong ngắn hạn thì giá cổ phiếu, sẽ lên lên xuống. Sự lên xuống trong ngắn hạn này của cổ phiếu có thể xem như là phong độ. Và phong độ này phụ thuộc vào quy luật cung cầu, mà cung cầu thì lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tin đồn về doanh nghiệp, tình hình ngành, tình hình kinh tế trong nước, tiềm năng kinh tế thế giới, và quan trọng nhất là tâm lý của nhà đầu tư. Nhà đầu tư ngắn hạn, còn gọi là lướt sóng, sẽ thực hiện các lệnh kinh doanh cổ phiếu dựa trên sự dự đoán về "phong độ" của cổ phiếu. Sẽ có cổ phiếu phong độ ổn định, dễ đoán. Sẽ có cổ phiếu có phong độ thất thường, khó đoán. Mùa Covid-19 thì phong độ của hầu hết các cổ phiếu đều rất thất thường, vì thế rủi ro rất cao cho các nhà đầu tư ngắn hạn. Dĩ nhiên thị trường luôn có "phần thưởng" cho những nhà lướt sóng tài ba, may mắn.
Trong dài hạn thì khác hẳn. Trong thời gian 5 năm, 10 năm, 20 năm, thì mỗi cổ phiếu sẽ có 1 đẳng cấp riêng của mình, tương tự như câu "Phong độ thì nhất thời. Đẳng cấp thì bền vững". Trường phái "thị trường không bao giờ sai" cho rằng, giá cổ phiếu là thước đo đúng nhất về giá trị của cổ phiếu/ doanh nghiệp. Tất cả những gì tạo ra giá trị của doanh nghiệp: tầm nhìn, chiến lược của hội đồng quản trị, sự tài ba của ban điều hành, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng trong tương lai, tác động của sự ảnh hưởng bên ngoài …tất cả đều được thị trường đưa vào giá cổ phiếu. Sự biến động của giá sẽ tạo ra tỷ suất sinh lợi. Những cổ phiếu "đẳng cấp" là những cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi trung bình hàng năm cao, liên tục trong quãng thời gian dài.
Anh có thể mô tả về các bước chọn danh mục đầu tư cổ phần dài hạn?
Bước 1: Lựa chọn cổ phiếu
Dựa vào giá cổ phiếu điều chỉnh, chúng tôi chọn ra các cổ phiếu có tuổi đời lớn hơn 5 năm, và có có tỷ suất sinh lợi trung bình hàng năm cao. Cụ thể như sau:
Hơn 50 cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi >15%/năm,
Hơn 30 cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi >20%/năm,
Hơn 10 cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi >25%/năm,
Từ những cổ phiếu này, nhà đầu tư tiến hành thêm ba bước lọc nữa để ra danh sách cuối cùng.
Bước 2, nhà đầu tư sẽ lọc bớt các cổ phiếu, dựa vào các tiêu chí sau:
Tiềm năng tương lai của ngành kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu ngành của doanh nghiệp có khả năng không còn tiềm năng phát triển trong tương lai, thì chúng ta có thể loại cổ phiếu đó ra.
Sự thay đổi lớn về cổ đông, ban điều hành. Nếu chúng ta có nghe thông tin về sự thay đổi này thì chúng ta có thể loại cổ phiếu đó ra.
Và những tiêu chí khác của từng nhà đầu tư.
Bước 3: Loại những cổ phiếu có độ rủi ro cao.
Rủi ro được định nghĩa là sự không chắc chắn, đối với kỳ vọng là tỷ suất sinh lợi trung bình hàng năm.
Ví dụ chúng ta có cổ phiếu A và cổ phiếu B cùng có tỷ suất sinh lợi hàng năm trung bình là 15%.
Cổ phiếu B có tỷ suất lợi nhuận các năm khá gần với số 15%, trong khi đó cổ phiếu A có tỷ suất lợi nhuận các năm biến thiên khá xa với mức 15%. Trong chuyên môn, người ta nói cổ phiếu A có độ lệch chuẩn cao, rủi ro cao hơn cổ phiếu B.
Bước 3 sẽ tính ra độ rủi ro (độ lệch chuẩn) của từng cổ phiếu, và loại bỏ những cổ phiếu có độ rủi ro quá cao.
Bước 4 là bước cuối cùng: chọn danh mục đầu tư.
Từ những cổ phiếu còn lại sau bước 3, các chuyên gia sẽ chạy công thức trên phần mềm để tạo ra những danh mục cổ phiếu tối ưu: đạt tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng với độ rủi ro thấp nhất có thể.
Các nhà đầu tư nghiệp dư thì không cần phải thực hiện quá phức tạp như vậy. Chúng ta chỉ cần chọn 5 - 10 cổ phiếu từ danh sách cuối cùng và mua với tỷ lệ bằng nhau thì danh mục đầu tư đó sẽ tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng cao, và có rủi ro thấp hơn nhiều so với 1 việc đầu tư 1 cổ phiếu.
Vậy còn những nhà đầu tư theo phương pháp đầu tư giá trị?
Phương pháp chọn cổ phiếu dài hạn gồm 4 bước tôi nói bên trên là trường phái của những nhà đầu tư tin rằng giá thị trường thể hiện giá trị của cổ phiếu.
Còn trường phái đầu tư giá trị mà ông tổ là Benjamin Graham và người học trò xuất sắc là tỷ phú Warren Buffet, thì cho rằng sẽ có lúc thị trường sai, phản ảnh không đúng giá trị nội tại của cổ phiếu. Khi thị trường quá hưng phấn, nhà đầu tư quá tham lam thì giá cổ phiếu sẽ cao hơn giá trị nội tại (overvalued). Khi thị trường suy giảm mạnh, nhà đầu tư quá sợ hãi thì giá cổ phiếu sẽ thấp hơn hơn giá trị nội tại (undervalued).
Nhà đầu tư giá trị sẽ nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp: ngành kinh doanh, tiềm năng phát triển, tình hình vĩ mô, tầm tâm tài của cổ đông lớn, ban điều hành, tình hình kinh doanh. Từ đó họ dự đoán dòng tiền lợi nhuận của doanh nghiệp/cổ phiếu và chiết khấu dòng tiền này về giá trị hiện tại để tính ra giá trị nội tại của doanh nghiệp/cổ phiếu. Và họ sẽ đầu tư khi giá thị trường thấp hơn giá trị nội tại này.
Ví dụ như họ tính ra giá trị nội tại của cổ phiếu T nào đó là 27.000. Và họ mong muốn biên độ an toàn (magin of safety) là 12.000. Như vậy khi thị trường sợ hãi, đưa giá cổ phiếu T xuống mức giá 15.000 thì họ sẽ mua vào. Họ tin rằng thị trường rồi sẽ thể hiện đúng giá trị nội tại của cổ phiếu. Mà nếu không thì họ cũng sẽ rất ổn, vì họ nhận được giá trị từ những dòng tiền của doanh nghiệp/cổ phiếu.