Ông Nguyễn Xuân Dương (ảnh) – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT, đã chia sẻ với phóng viên Báo NTNN về những điểm nhấn quan trọng trong Dự thảo Luật Chăn nuôi sẽ trình Quốc hội năm 2018.
Được biết Bộ NNPTNT đang chủ trì soạn thảo Luật Chăn nuôi, nhiều người kỳ vọng dự luật này sẽ góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Vậy ông có thể cho biết những điểm chính, mục tiêu quan trọng của dự thảo luật này?
- Dự thảo Luật Chăn nuôi đang được Bộ NNPTNT chủ trì soạn thảo và dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Những năm qua ngành chăn nuôi phát triển tương đối ổn định, có sự chuyển động tích cực. Tới thời điểm này, chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi cũng như vấn đề an toàn thực phẩm cũng được nâng lên đáng kể. Song, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự biến đổi nhanh của nền kinh tế thị trường, việc xây dựng Dự thảo Luật Chăn nuôi là rất cần thiết.
Trong Dự thảo Luật Chăn nuôi có nội dung muốn mở trang trại chăn nuôi, người dân cần phải có giải pháp về thị trường (ảnh minh họa). Ảnh: Đình Thắng
"Chúng tôi sẽ đề nghị đưa vào Luật Chăn nuôi chương quy định về súc quyền để làm sao đảm bảo các con vật nuôi được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất, giết mổ trong điều kiện tốt nhất, đảm bảo sản phẩm ra thị trường tốt nhất”. Ông Nguyễn Xuân Dương |
Thực tế ngành chăn nuôi mới chỉ có Pháp lệnh 16/2004/PL- UBTVQH, bên dưới có một số văn bản khác. Qua 10 năm thực hiện pháp lệnh, khi đánh giá lại những văn bản quy phạm có nhiều điểm không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành chăn nuôi hiện nay nữa. Vì vậy, việc xây dựng Luật Chăn nuôi là vô cùng cấp thiết, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành chăn nuôi.
Mục tiêu của Luật Chăn nuôi nhằm điều chỉnh công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, phù hợp với cam kết quốc tế, làm tốt việc quản lý môi trường, hướng tới nền chăn nuôi bền vững.
Vậy những điểm nhấn quan trọng nào sẽ có trong Luật Chăn nuôi, thưa ông?
- Luật Chăn nuôi sẽ có một số nội dung đáng chú ý, thứ nhất là phát triển ngành chăn nuôi là ngành có điều kiện, ở đây là điều kiện về môi trường và điều kiện về thị trường. Trước kia chúng ta cứ có đất có vốn và đảm bảo môi trường là có thể bắt tay vào chăn nuôi, nhưng bây giờ, muốn mở trang trại chăn nuôi, người dân cần phải có giải pháp về thị trường.
Bởi vì nếu anh phát triển trang trại chăn nuôi mà không có các giải pháp thị trường, thì cũng không hiệu quả. Do đó, khi bắt tay vào chăn nuôi, người dân phải biết sản phẩm của mình sẽ tiêu thụ ở đâu với số lượng bao nhiêu, trên cơ sở đó mới quy hoạch quy mô trại nuôi của mình như thế nào. Vì vậy, tinh thần của Luật Chăn nuôi có gắn vấn đề chăn nuôi với điều kiện về môi trường, thị trường.
Vấn đề thứ hai là xã hội hóa để các nguồn lực của xã hội đầu tư vào phát triển chăn nuôi. Đây cũng là nội dung rất quan trọng trong Luật Chăn nuôi. Chúng ta có thể thấy ngành thức ăn chăn nuôi là một ví dụ điển hình cho việc xã hội hóa các nguồn lực. Hiện nay ngành thức ăn chăn nuôi sử dụng 100% vốn tư nhân, nhà nước không bỏ ra đồng vốn nào mà chúng ta vẫn trở thành “cường quốc” thức ăn chăn nuôi...
Chính vì vậy tinh thần của Luật Chăn nuôi cũng là xã hội hóa đầu tư phát triển, thậm chí dịch vụ công quản lý ngành chăn nuôi cũng được xã hội hóa để chúng ta có nhiều nguồn lực phát triển nhằm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn...
Trên thế giới có rất nhiều nước đã ban hành quyền súc vật, đây cũng là vấn đề rất quan trọng trong xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa ban hành quyền này. Sắp tới Luật Chăn nuôi có đề cập đến vấn đề này không, thưa ông?
- Đúng như vậy, quyền súc vật là một trong những nội dung rất quan trọng trong Luật Chăn nuôi. Khi chúng ta trao đổi sản phẩm chăn nuôi với các nước phát triển, không phải chất lượng tốt và giá rẻ là họ sẽ mua, mà họ còn xem xét chúng ta đối xử với súc vật nuôi như thế nào. Nếu chúng ta đối xử không tốt với vật nuôi, họ sẽ rút thẻ vàng, thẻ đỏ và không cho chúng ta xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sang nước họ.
Vì vậy chúng tôi sẽ đề nghị đưa vào chương quy định về súc quyền để làm sao đảm bảo các con vật nuôi được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất, giết mổ trong điều kiện tốt nhất, đảm bảo sản phẩm ra thị trường tốt nhất.
Bên cạnh đó, trong Luật Chăn nuôi cũng sẽ đề cập đến cả vấn đề quản lý động vật bán hoang dã gây nuôi, nước ngoài hay gọi là thú cưng, động vật cảnh. Tiếp theo chúng tôi cũng xem xét vấn đề an ninh thực phẩm trong ngành chăn nuôi, có thể chúng ta sẽ cân nhắc phương án dự trữ quốc gia, để khi đối mặt với những trường hợp như khủng hoảng giá thịt lợn vừa rồi, lợn sản xuất nhiều không tiêu thụ hết có thể đưa vào dự trữ cấp đông.
Xin cảm ơn ông!