Bản kiến nghị được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp.
Theo đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và 6 Hiệp hội kiến nghị gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham).
Kiến nghị đề cập tới 5 vấn đề được cho là cấp thiết được quy định tại Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Các doanh nghiệp cho rằng, nếu các quy định này được áp dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Do đó, VCCI và các Hiệp hội khẩn thiết mong muốn được lắng nghe ý kiến."Sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động cho phù hợp với tinh thần hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm xây dựng khung pháp lý cho các quy định Pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn", kiến nghị nêu rõ.
Thực ra, đây không phải lần đầu, VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị tới 5 vấn đề này. Những vấn đề đã được các doanh nghiệp kiến nghị tại nhiều Diễn đàn như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam… Nhưng việc VCCI và 6 Hiệp hội cùng ký chung một văn bản để thống nhất kiến nghị thì có thể xem là lần đầu. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực đang có chung mối lo về những tác động không mong muốn của những đề xuất trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
Cụ thể, VCCI và các Hiệp hội đại diện cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, thứ nhất, về số giờ làm thêm tối đa trong một năm và tiền lương làm thêm giờ, các doanh nghiệp kính đề nghị xem xét tăng mức thời giờ làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 300 giờ (đối với các ngành nghề bình thường).
Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ với điều kiện là có nhu cầu kinh doanh chính đáng như các ngành nghề phục vụ xuất khẩu, phục vụ đơn hàng… và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.
Bên cạnh đó, tiền lương làm thêm giờ, doanh nghiệp kiến nghị không quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ để có thể đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia khác.
Thứ hai, quy định giờ làm việc trong tuần, doanh nghiệp kiến nghị không giảm thời giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần, giữ nguyên số giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện nay là 48 giờ/tuần.
Thứ ba, về thời hạn của Giấy phép lao động tối đa 2 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.Các doanh nghiệp xin kiến nghị giữ nguyên quy định như Luật hiện hành, không hạn chế số lần gia hạn Giấy phép lao động của người lao động nước ngoài như trong Dự thảo Bộ Luật. Đồng thời nâng thời hạn cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài từ hai năm lên ba năm.
Thứ tư, định nghĩa về giờ làm thêm, doanh nghiệp kiến nghị giữ nguyên định nghĩa về tiền lương như quy định tại Bộ Luật hiện hành, là "khoản tiền" mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Thứ năm, doanh nghiệp kiến nghị không quy định về vấn đề quy định "doanh nghiệp bố trí cho toàn bộ công nhân viên nghỉ 1, 2 ngày để thực hiện quyền công đoàn" vào trong Dự thảo Bộ Luật Lao động.