Trong dự thảo lần này, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 8 chương gồm 79 điều, trong đó sửa đổi 70 điều, bổ sung mới 8 điều, bãi bỏ 7 điều và giữ nguyên 1 điều.
Nội dung dự thảo được điều chỉnh theo hướng tăng cường cấp phép, quản lý đối với các DN đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài (DN dịch vụ) như tăng vốn chủ, điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ người điều hành, nhân viên hoạt động... Dự thảo cũng bổ sung quy định về việc mở rộng hình thức đưa NLĐ đi làm việc, bổ sung đơn vị sự nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố được phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, cho phép các DN dịch vụ liên kết với các tổ chức dạy nghề để bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề cho lao động…
Đáng chú ý, quy định đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất là việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giới hạn thời hạn giấy phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của các DN từ không có thời hạn sang 5 năm cấp lại một lần. Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc thay đổi quy định này để thuận tiện trong quản lý, đánh giá năng lực DN và góp phần bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Ngoài ra, việc thẩm định hợp đồng cung ứng lao động cũng được dự thảo quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, trước mỗi hợp đồng với đối tác, DN phải đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) về các nội dung như: Số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của hợp đồng; công việc, địa điểm, thời gian, tiền lương, thưởng, bảo hiểm..., hồ sơ đăng ký bao gồm bản sao hợp đồng cung ứng lao động, tài liệu chứng minh việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phù hợp từng thị trường và pháp luật của nước tiếp nhận…
Có thể phát sinh chi phí “chìm”
Theo các chuyên gia và DN, những quy định mới này khiến DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Bà Vũ Thị Hồng, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom (Vietcom Human) cho rằng, nếu duy trì quy định trên sẽ làm giảm tính cạnh tranh của DN. Thực tế, có nhiều hợp đồng, dù cùng một đối tác tiếp nhận lao động nhưng DN đều phải đăng ký nhiều lần với Cục Quản lý lao động ngoài nước. Điều này khiến việc thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài kéo dài, DN muốn triển khai sớm cũng không được, phải ngồi chờ quyết từ phía bộ. Trong khi đó, hằng tháng, DN đều tuân thủ chế độ báo cáo với Cục Quản lý lao động ngoài nước và luôn cố gắng tìm kiếm hợp đồng tốt cho NLĐ, nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả kinh doanh.
Ông Đỗ Nhật Tân, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD, cho rằng, việc thẩm định hợp đồng của DN hiện nay vẫn chỉ mang tính hình thức, chưa có quy chế về thẩm định, không có bộ máy chuyên trách thực hiện nên gây tốn kém cho DN. Ngoài ra, việc yêu cầu gia hạn giấy phép 5 năm một lần chỉ tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho DN. Trong quá trình hoạt động, năm nào DN cũng có thanh tra, kiểm toán, thuế vào kiểm tra… Giờ đây, quy định thêm việc đổi giấy phép, DN phải làm lại thủ tục từ đầu, chứng minh đủ loại điều kiện thì họ sẽ vừa mất thời gian vừa gia tăng nguy cơ phát sinh chi phí “chìm”.
Bên cạnh đó, theo ông Tân, dự thảo luật tiếp tục giới hạn một DN chỉ có 3 chi nhánh trên cả nước sẽ khiến DN muốn lớn mạnh, mở rộng thị phần cũng không được. “Thay vì đưa ra các quy định kìm hãm sự phát triển của DN, dự thảo nên tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của DN, minh bạch thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp DN để chi nhánh vi phạm”, ông Tân nói.
Ông Nguyễn Tiến San, Chánh văn phòng Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, cho rằng, việc sửa đổi quy định giấy phép từ không thời hạn sang có thời hạn 5 năm là không cần thiết, cũng như đi ngược lại xu hướng cải cách hành chính của Chính phủ, tạo thêm phiền hà cho DN. Theo ông San, thực tiễn hơn 10 năm qua, chưa có DN nào do giấy phép không ghi thời hạn mà cơ quan nhà nước không thể đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 16 của dự thảo luật đã quy định khá cụ thể các trường hợp DN dịch vụ bị thu hồi giấy phép. Do đó, ban soạn thảo dự luật cần cân nhắc thêm quy định này.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quy định này chưa có cơ sở thỏa đáng.
Thường trực Ủy ban cũng đã đề nghị Ban Soạn thảo giải trình cụ thể, thuyết phục hơn về quan điểm này, đồng thời, nghiên cứu vai trò của các hiệp hội DN trong việc tham gia quản lý, giám sát, đánh giá năng lực hoạt động của DN để có quy định hậu kiểm phù hợp...