Cụ thể, theo Điều 71 và Điều 105 dự thảo Luật BHXH mới, dù tham gia BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện, người lao động cũng đều có cơ hội được hưởng lương khi đã tích lũy đủ 15 năm đóng BHXH.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.
Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, cũng theo dự thảo mới, nếu người lao động tham gia BHXH bắt buộc rút tiền 1 lần sau thời điểm Luật mới có hiệu lực thì ở lần đóng BHXH tiếp theo, mọi người lao động đều phải tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH mới được giải quyết hưởng lương hưu.
Việc sửa góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng thay vì nhận BHXH một lần.
Giảm thời gian đóng BHXH, mức hưởng lương hưu sẽ thay đổi ra sao?
Đi kèm với việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, cách tính mức hưởng lương hàng tháng cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với đề xuất mới.
Cụ thể, căn cứ Điều 73 và Điều 106 dự thảo sửa Luật BHXH, mức hưởng lương hưu hang tháng vẫn được tính theo công thức cũ nhưng cách tính tỷ lệ hưởng đã có sự điều chỉnh.
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH
Trong đó, tỷ lệ hưởng được xác định theo số năm đóng BHXH như sau:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam:
Đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm: Tỷ lệ hưởng = Số năm đóng BHXH x 2,25%
Đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên: Đóng đủ 20 năm BHXH được hưởng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.
- Tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH thì được hưởng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.
Ví dụ 1: Ông A đóng BHXH được 18 năm thì khi nghỉ hưu ông A được hưởng tỷ lệ = 18 x 2,25% = 40,5%.
Ví dụ 2: Bà B đóng BHXH được 27 năm. Tỷ lệ hưởng của bà B được tính như sau:
- 15 năm đóng BHXH: Hưởng 45%.
- 12 năm đóng BHXH còn lại: Hưởng 12 x 2% = 24%.
Tổng tỷ lệ lương hưu của ông % + 24% = 69%.
Có thể thấy rõ, việc giảm số năm đóng BHXH xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu sẽ phần nào ảnh hưởng đến tỷ lệ hưởng của người lao động. Với thời gian đóng BHXH ngắn thì mức hưởng lương hưu tương ứng của người lao động sẽ thấp.
Hiện nay, theo Luật BHXH năm 2014, nếu đóng BHXH tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu, lao động nữ sẽ được hưởng tỷ lệ 55%, lao động nam được hưởng 45%.
Còn với đề xuất tại dự thảo mới, khi chỉ đóng tối thiểu 15 năm BHXH, lao động nữ được hưởng 45%, lao động nam được hưởng 15 x 2,25% = 33,75%.