Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII). Trong đó, dự thảo dự báo với mức tăng trưởng kinh tế khoảng 7% hàng năm trong giai đoạn 2021-2030. Theo đó, nhu cầu năng lượng, điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng duy trì ở mức cao, khoảng 10% trong thập kỷ tới.
Để đảm bảo công suất phát điện đạt khoảng 138.000 MW vào 2030, mỗi năm ngành điện cần khoảng 12-13 tỷ USD vốn để đầu tư mới cho cả nguồn và lưới điện. Ảnh: Nhịp sống hôm nay.
Bên cạnh đó, điện thương phẩm dự báo đạt 491 tỷ kWh vào 2030 và sẽ đạt 5,7% vào 2031-2045. Hệ số đàn hồi điện thương phẩm trên GDP đạt 1,13 lần vào 2030 và sẽ giảm xuống 0,58 lần vào 2045, thấp hơn rất nhiều so với mức 1,2 vào 2020.
Về cơ cấu, than sẽ chiếm tỷ lệ 35% vào 2025 và lên mức 45,5% vào 2035. Tỷ lệ thủy điện có mức giảm đáng kể, trong khi đó các loại xăng dầu chiếm tỷ trọng hơn 20% của tổng năng lương sơ cấp. Bên cạnh đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo mới đạt mức 27,9%, 25,6% và giảm xuống 23,5% lần lượt vào các năm 2025, 2030 và 2035.
Để đảm bảo công suất phát điện đạt khoảng 138.000 MW vào 2030, mỗi năm ngành điện cần khoảng 12-13 tỷ USD vốn để đầu tư mới cho cả nguồn và lưới điện.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết dự kiến đến 2030 công suất sẽ đạt 138.000MW, gấp đôi so với hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, dự thảo quy hoạch điện VIII đề xuất cơ chế triển khai thực hiện quy hoạch như đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện hay cơ chế xã hội hóa đầu tư truyền tải điện.
Dự thảo quy hoạch điện VIII cũng đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, đảm bảo thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện. Dự thảo còn đề xuất cơ chế xây dựng kế hoạch phát triển điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Bộ Công Thương cho rằng những đề xuất vừa nêu sẽ từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện để đảm bảo thực hiện xây dựng, quản lý và vận hành các công trình điện theo đúng quy hoạch, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư từ nguồn vốn tư nhân và nước ngoài chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển điện lực.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng nguồn vốn đầu tư sẽ là thách thức đối với nền kinh tế. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng việc nền kinh tế dành 12 tỷ để đầu tư cho ngành điện mỗi năm thật sự rất thách thức.
Đồng tình, PGD TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế & Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng với lợi nhuận, doanh thu và khấu hao của ngành điện hiện nay chắc chắn không thể nào đáp ứng nổi 30% nhu cầu vốn. Chưa kể, dự thảo quy hoạch mới đề xuất con số nhu cầu về vốn, những giải pháp chi tiết tìm vốn để thực hiện quy hoạch thì lại chưa có.
Trước đây, quy hoạch điện VII giai đoạn 2016-2020, nguồn điện do ngành điện đầu tư chỉ chiếm hơn 33% số còn lại là của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Như vậy xã hội hóa và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn sẽ là giải pháp chính để triển khai bản quy hoạch này.
Ngoài ra, bài học từ việc bùng nổ điện mặt trời vượt xa so với quy hoạch điện VII điều chỉnh trước đây cũng đã được chỉ ra, vì vậy cơ cấu nguồn cung cũng cần tính toán kỹ trong quy hoạch điện VIII.
PGS. TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia nghiên cứu năng lượng cho rằng "khi điều chỉnh quy hoạch điện VII, Việt Nam chỉ có 800 MW công suất điện tái tạo nhưng trên thực tế đã có 19.000 MW, gấp hơn 20 lần vào cuối 2020. Đây là bài học mà chúng ta cần phải rút ra khi thực hiện quy hoạch điện VIII".
Mặc dù quan điểm điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tuy nhiên việc triển khai quy hoạch mà không tính toán tổng thể, dài hạn và tối ưu sẽ gây tổn thất lâu dài.