3 yếu tố tác động tỷ giá tăng
Tỷ giá USD / VND trên thị trường tự do đã tăng 1,7% trong tuần trước, và giảm tiếp khoảng 1% khi lên tới 23.900 VND “ăn” 1 USD vào ngày 23/3.
“Do đó, VND hiện đã giảm giá khoảng 3% so với đầu năm nay, cao hơn mức mà chúng tôi kỳ vọng, nhưng mức giảm vẫn thấp hơn so với hầu hết những đồng tiền khác trong khu vực”, VinaCapital nhận định trong báo cáo mới nhất về VND.
Sự giảm giá của một số đồng tiền khu vực từ đầu năm đến nay - Nguồn: VinaCapital.
VND đã “kiên cường” hơn các đồng tiền khác trong khu vực trong suốt cuộc khủng hoảng bởi Covid-19.
So với đầu năm, đồng Rupiah của Indonesia giảm 19%; đồng Bath của Thái Lan giảm 11%; đồng Ringgit của Malaysia giảm 9% và đồng Peso của Phillippnes giảm 1%.
Theo VinaCapital, VND mất giá 1,7% trên thị trường tự do tuần qua là do 3 yếu tố. Thứ nhất, chỉ số giá USD thế giới tăng mạnh 4%, và tăng xấp xỉ 8% so với mức thấp ngày 9/3; Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 260 triệu USD chứng khoán Việt Nam (thu USD về); Thứ ba, nhà đầu tư trong nước gom mua vàng.
Hơn nữa, việc bán tháo chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài cũng khiến các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tăng giá mua USD trên thị trường liên ngân hàng khi vài nhà đầu tư ngoại muốn gom tiền về nước.
Sự cạnh tranh mua USD trên liên ngân hàng cũng là yếu tố đẩy tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng 1,7%.
VinaCapital tin tưởng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định quanh mức hiện tại bởi những lý do sau:
- Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hành động cụ thể để ngăn chặn sự tăng vọt của chỉ số đồng USD vào tuần trước.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không cần phải kiểm soát dòng vốn – vì không dự tính được bất kỳ hạn chế nào.
- VND được hỗ trợ bởi lãi suất tiền gửi ngân hàng cao và dự trữ ngoại hối tới 32%/GDP.
Dự trữ ngoại hối Việt Nam 83 tỷ USD, đạt 32% GDP
Các nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực bán chứng khoán tuần qua, gây lo ngại về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể hạn chế đồng USD “chảy” khỏi đất nước, và làm cho VND giảm giá.
Theo VinaCapital, NHNN không có bất kỳ động thái nào về hạn chế đồng USD chuyển về nước của các nhà đầu tư ngoại, và NHNN có đủ dự trữ ngoại hối để đáp ứng một cách dễ dàng.
Cũng theo VinaCapital, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên tới 83 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với khoảng 30 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam, và phần lớn dòng vốn FII này chảy vào cổ phiếu có thanh khoản yếu và/hoặc vào những cổ phần chiến lược tại những công ty niêm yết – cả hai trường hợp này đều khó bán nhanh.
Tóm lại, NHNN có nhiều dự trữ để đáp ứng bất kỳ một sự bán tháo hoảng loạn nào trong ngắn hạn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù, nhà đầu tư nước ngoài đã bán khoảng 260 triệu USD chứng khoán tuần trước và vài nhà đầu tư đã chuyển tiền về nước để đối phó với sự thiếu hụt USD tạm thời toàn cầu hiện nay, tình trạng này không giống cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây (năm 2008) khi nhà đầu tư ngoại bán chứng khoán Việt nhưng vẫn giữ tiền tại Việt Nam.
VinaCapital cho rằng NHNN vẫn tiếp tục chính sách cho phép các quỹ đầu tư được tự do ra – vào trong điều kiện thị trường đầy biến động hiện nay, điều này sẽ củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam trong tương lai.
Hơn nữa, kể từ khi Việt Nam không còn là điểm đến của dòng “tiền nóng” - dòng tiền đã gây mất ổn định kinh tế của các con hổ châu Á trong quá khứ - năm 1997 (thí dụ, tỷ lệ sở hữu trái phiếu Chính phủ Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài rất thấp, không giống như Indonesia), nhưng NHNN Việt Nam đã có vị thế rất tốt khi đáp ứng bất kỳ sự bán tháo hoảng loạn ngắn hạn tiềm ẩn nào của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo VinaCapital, từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua hơn 3 tỷ USD vào dự trữ ngoại hối (sau khi đã mua vào khoảng 20 tỷ USD năm 2019), giúp cho dự trữ ngoại hối tăng lên 83 tỷ USD.
“Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại đạt 32% GDP, gần bằng với tỷ lệ 33% GDP của Trung Quốc đã tích luỹ được ngay trước khi đồng Nhân dân tệ bắt đầu lên giá, ước tính Nhân dân tệ đã tăng giá trị khoảng 25%”, VinaCapital nhấn mạnh.
Tính đến giữa tháng 3/2020, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt gần 3 tỷ USD so với đầu năm, bao gồm gần 900 triệu USD thặng dư của 2 tuần đầu tháng 3, do xuất khẩu tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi của Việt Nam đang rất hấp dẫn so với các nước trong khu vực, và tiếp tục hấp dẫn hơn khi các ngân hàng trung ương khu vực cắt giảm lãi suất. Dù rằng, tuần trước, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng trong nước đã giảm 0,25 điểm % với kỳ hạn dưới 6 tháng còn 4,75%, nhưng người gửi tiền có thể nhận được lãi suất tới 7-8% với kỳ hạn trên 6 tháng tại các ngân hàng uy tín.
Cắt giảm lãi suất của một số ngân hàng Trung ương khu vực - Nguồn: VinaCapital.
Tuy vậy, VND cũng phải đối mặt với tình thế là lượt du khách nước ngoài đến Việt Nam sẽ giảm 40% trong năm nay, theo ước tính của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Điều này cũng sẽ làm thâm hụt tài khoản vãng lai khoảng 3% GDP so với năm 2019.
Theo VinaCapital, hiện tại các ngân hàng Việt Nam đang ở trạng thái ngoại tệ dương, với khoảng 200 triệu USD.
“Chúng tôi lạc quan dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ổn định như hiện tại nếu các ngân hàng trong nước nắm giữ nhiều USD hơn, do đó cho phép họ bán ở động thái hiện tại”, VinaCapital nhấn mạnh.
Đồng USD sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ Fed
JP Morgan và Credit Suisse là 2 tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới đã có báo cáo vào tuần trước khi ước tính rằng các chính phủ và các công ty bên ngoài nước Mỹ đã vay nợ bằng tiền khoảng 12.000 tỷ USD.
Khối nợ lớn này (gần bằng toàn bộ nguồn cung tiền trong nước của Mỹ) đòi hỏi những người vay nợ nước ngoài phải trả bằng tiền 1.000 tỷ USD hằng năm, nhưng nhiều công ty và chính phủ không thể tạo ra thu nhập bằng đồng USD, ngoại trừ một số nhà sản xuất hàng hoá.
Các công ty trên thế giới hiện đang tích trữ tiền mặt, họ cần sống sót qua cơn khủng hoảng, và nhiều công ty ở hải ngoại (offshore) đặc biệt cần USD để trả khoản nợ bằng tiền của họ. Việc tích trữ đồng USD của những công ty hải ngoại là nguyên nhân khiến giá đồng USD tăng vọt – điều này cũng tạo nên vô số vấn đề về kinh tế trên toàn thế giới, gồm cả Mỹ.
Hơn nữa, giá dầu lao dốc làm trầm trọng thêm tình trạng này, bởi Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu khác hiện không có lượng “petrodollas” vượt mức để họ có thể lưu hành trên thị trường USD ngoài biên giới.
Nhà phân tích nổi tiếng của Credit Suisse – Zoltan Pozsar (từng làm việc tại Fed) đã ra một báo cáo tuần trước, đó là “Thế giới sẽ bị tấn công bởi Lệnh gọi ký quỹ (Margin Call) trị giá 12.000 tỷ USD”, khuyên Fed nên hành động quyết liệt để giải quyết vấn đề “sức ép ngắn hạn” của đồng USD.
Về phía Fed vào cuối tuần rồi đã có động thái để giảm căng thẳng đồng USD trên thị trường USD quốc tế, bằng việc cung cấp 114 tỷ USD cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), đây là lý do chính khiến chỉ số đồng USD giảm giá nhẹ.
VinaCapital cho rằng Fed sẽ có thêm biện pháp bổ sung để ngăn chặn sự lên giá của đồng USD trong tuần này.
Điều này được thể hiện ở việc, trước đây, Fed cung cấp USD cho 5 trong số các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới 1 lần/tuần, nhưng đến nay bắt đầu cung ứng USD hàng ngày (về mặt kỹ thuật, Fed đã hoán đổi đồng USD với đồng GBP, đồng EUR…)
Trước đây, Fed chỉ cung cấp USD cho ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Canada, Anh, Nhật Bản, và Thuỵ Sĩ, nhưng nay mở rộng hoán đổi đồng USD với ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Úc, Brazil, Mexcio, Singapore, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy và New Zealand.
Đối với các nhà giao dịch ngoại hối quốc tế có 2 lý thuyết phổ biến (“Lý thuyết Nụ cười đô la” và “Lý thuyết Sữa lắc đô la”) gợi ý rằng chỉ số đồng USD (DXY - đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt : EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) có thể leo lên tới 110 – điều này có thể gây ra một sự giảm giá lớn cho VND.
“Nhưng chúng tôi cho rằng sự thiệt hại này cũng xảy ra với nền kinh tế thế giới, nó sẽ khiến Fed phải hành động quyết liệt, bao gồm cả việc mở rộng cung cấp USD cho nhiều ngân hàng trung ương các nước, với thời lượng 24/7”, VinaCapital nhận định.