Theo tính toán của Công ty Chứng khoán SSI, sau 4 tháng liên tiếp Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ, dự trữ ngoại hối đã lên mức kỷ lục, khoảng 73 tỷ USD.
Như VnEconomy đã đưa tin, tỷ giá giao dịch USD/VND đi ngang trong cả tuần trước trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do. Trong đó, tỷ giá liên ngân hàng chốt tuần dừng đúng mức 23.200 đồng.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch đầu tuần này, tỷ giá liên ngân hàng chỉ còn ở mức 23.199 VND/USD. Dù chỉ giảm 1 đồng so với phiên liền trước nhưng tỷ giá này đã xuyên qua "ngưỡng chặn" mua vào của Ngân hàng Nhà nước.
Đánh giá diễn biến trên, giới chuyên môn cho rằng, Việt Nam đang có nguồn ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và các giao dịch bán vốn, hợp tác kinh doanh lớn.
Mặt khác, lượng mua vào từ phía nhà điều hành phải tính toán cẩn nhận nếu không muốn bị Mỹ liệt vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Vì vậy, sẽ có đôi lúc, tỷ giá trên liên ngân hàng rơi qua ngưỡng 23.200 đồng.
Thực tế thống kê của nhóm chuyên gia tại SSI cho thấy, lượng mua vào của Ngân hàng Nhà nước trong 4 tháng vừa qua khá lớn nhưng vẫn thấp hơn so với 4 tháng đầu năm.
Nhóm này cũng nhận định: "Dự trữ ngoại hối hiện ở mức kỷ lục, 73 tỷ USD và kỳ vọng còn có thể tăng thêm. Tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng hiện tại".
Tại thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất VND chào bình quân phiên 4/11 tăng mạnh 0,12 - 0,23 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Giao dịch tại qua đêm 1,95%; 1 tuần 2,15%; 2 tuần 2,27% và 1 tháng 2,57%.
Như vậy, lãi suất VND qua đêm liên ngân hàng đều thấp hơn lãi suất tín phiếu trong cả tháng vừa qua. Với việc tỷ giá và lạm phát đang được kiểm soát tốt, nhiều khả năng lãi suất điều hành (tín phiếu) sẽ được giảm thêm 25 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm 2019. Đặc biệt sau động thái cắt giảm lãi suất về 1,5% - 1,75%/năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Tuy vậy, lãi suất trên thị trường 1 không chịu nhiều tác động từ lãi suất điều hành hay diễn biến trên liên ngân hàng mà chịu ảnh hưởng từ nhu cầu huy động vốn tài trợ tín dụng trong quý cao điểm cũng như các yêu cầu về cơ cấu vốn có hiệu lực từ 2020.
Ngoại trừ 2 trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn giảm lãi suất tiền gửi từ 20-30 điểm phần trăm, kể cả với kỳ hạn dài 12-13 tháng, hầu hết lãi suất huy động các ngân hàng đều đi ngang, một số ngân hàng thương mại có thị phần nhỏ tiếp tục huy động kỳ hạn trên 13 tháng ở mức lãi suất 8,2-8,5%/năm hoặc đẩy mạnh huy động qua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng trở lên với lãi suất 9-10%/năm. Mức lãi suất huy động phổ biến trong khoảng 4,1-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,8%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Tại nghiệp vụ thị trường mở ngày 4/11, Ngân hàng Nhà nước giảm chào thầu tín phiếu xuống mức 8.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng này. Trong ngày có 12.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Qua đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng 4.000 tỷ đồng ra thị trường qua kênh tín phiếu, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 48.000 tỷ đồng. Phía nhà điều hành cũng duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,5%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.