Năm qua, giá trị vàng dự trữ của Nga đã tăng 42% lên 109,5 tỷ USD và vàng hiện có tỷ trọng lớn nhất trong tổng dự trữ của nước này kể từ năm 2000.
Trong thập kỷ qua, Nga đã tăng gấp 4 lần lượng vàng dự trữ nhằm tránh phụ thuộc vào các tài sản Mỹ. Việc này đã mang lại kết quả khi mới đây, nhu cầu cao đẩy giá vàng lên mức cao nhất 6 năm.
Trong vài năm qua, ngân hàng trung ương Nga tích cực mua vàng khi Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn giảm sự phụ thuộc vào các tài sản Mỹ trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn còn căng thẳng.
Nếu sử dụng đến lượng vàng dự trữ của mình, Nga sẽ được hưởng mức giá cao khi kim loại này đang hướng tới năm tốt nhất kể từ 2010 khi mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các ngân hàng trung ương phải nới lỏng chính sách tiền tệ.
"Nga muốn tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các công cụ trung lập về mặt chính trị", Vladimir Miklashevsky, nhà chiến lược tại Danske Bank A/S ở Helsinki, Phần Lan, cho biết. "Họ đã thay thế lượng lớn đồng USD bằng vàng - một chiến lược đã mang về hàng tỷ USD cho Ngân hàng Trung ương Nga chỉ trong vài tháng".
Hiện tại, lượng vàng dự trữ của Nga là hơn 2.200 tấn, lớn thứ 5 thế giới, và chiếm 20,7% tổng dự trữ của nước này. Trong năm qua, giá trị dự trữ tiền tệ của Nga tăng 9,5%, mức tăng thấp hơn nhiều so với giá trị dự trữ vàng.
Theo dữ liệu mới nhất, từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương nước này đã mua khoảng 106 tấn vàng. Con số này giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn là mức cao nhất thế giới. Năm ngoái, lượng vàng mua vào của Nga lần đầu vượt qua nguồn cung từ các mỏ khai thác vàng của nước này.
Nga không phải là quốc gia duy nhất đang tích trữ vàng. Trung Quốc, Kazakhstan và Ba Lan là ba trong số những nước mua vàng nhiều nhất trong vài năm qua.
Tuy nhiên, không phải mọi động thái của Nga đều mang lại kết quả tốt. Năm ngoái, ngân hàng trung ương nước này đã chuyển khoảng 100 tỷ USD các tài sản Mỹ sang các tiền tệ gồm Euro, Nhân dân tệ và Yên. Nhưng từ đó đến nay, giá trị đồng Nhân dân tệ đã giảm mạnh, xuống mức thấp nhất hơn 10 năm. Nga cũng đã bỏ lỡ cơ hội khi trái phiếu kho bạc Mỹ tăng giá.
Theo Kirill Tremasov, cựu quan chức Bộ Kinh tế Nga và hiện là nhà phân tích tại Loko-Invest có trụ sở ở Moscow, Nga có thể sẽ tiếp tục mua vàng để bù đắp cho những khoản lỗ khác trong kho dự trữ của mình. Đến nay, phương án này vẫn mang lại hiệu quả khi giá vàng đã tăng 18% từ đầu năm lên 1.513 USD/ounce.
Tuy vậy, theo ông, ít nhất với Nga, việc tích trữ vàng nhằm mục đích đa dạng hoá dự trữ nhiều hơn là kiếm lời. Ngân hàng trung ương nước này bắt đầu mua vàng từ hơn một thập kỷ trước, kể khi giá vàng tăng lên mức gần kỷ lục vào năm 2011 và giảm mạnh trong vài năm sau đó.
"Ngân hàng trung ương có vẻ không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận khi dự trữ vàng", Dmitry Dolgin, nhà kinh tế tại ING Bank, nhận định. "Việc tích trữ vàng nhằm mục đích đa dạng hoá tài sản".