Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030. Thực tế đến nay, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp mới chỉ là 32%, chưa đạt mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2019 đề ra đến năm 2020 là 42%.
Đối với chăn nuôi lợn, mục tiêu tổng đàn đạt 35 triệu con vào năm 2020, nhưng thực tế tổng đàn duy trì ở mức 26-29 triệu con hàng năm. Đặc biệt năm 2019, do dịch tả lợn châu Phi hoành hành, khiến đàn lợn giảm thấp, hiện chỉ còn 25 triệu con. Trong khi đó, chăn nuôi vẫn đang gặp phải nhiều vấn đề như: dịch bệnh thường xuyên xảy ra; cung cầu mất ổn định...
Thời báo Kinh tế Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và người chăn nuôi về những giải pháp để đưa chăn nuôi thoát khỏi khủng hoảng, tiến lên phát triển bền vững.
Bán thịt lợn giá cao quá thì ai ăn?
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Năm vừa qua, Việt Nam không may khi dịch tả lợn châu Phi tràn vào, bắt đầu từ 1/2/2019. Qua quá trình ứng phó với dịch bệnh, chúng ta rút được ra rất nhiều bài học. Trong đó, bài học đầu tiên mà nhận được là về vấn đề an ninh lương thực, phải coi đây là nhiệm vụ số một trong sản xuất nông nghiệp. Lơ là một cái sẽ chết ngay.
Đến giờ phút này tổng đàn lợn bị tiêu hủy gần 6 triệu con với sản lượng tương đương khoảng 340.000 tấn thịt. Song, điều xót xa nhất chính là thiệt hại này lại rơi vào phần lớn bà con nông dân, những người chăn nuôi nhỏ lẻ, yếu thế. Điểm tích cực trong 11 tháng ứng phó với dịch tả lợn châu Phi vừa qua là các trang trại, hộ chăn nuôi lớn đã nhận thức được tầm quan trọng của chăn nuôi an toàn sinh học, nếu áp dụng đúng thì vẫn có thể chăn nuôi lợn dù trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin.
Đặc biệt, công tác tái đàn lợn ở các địa phương phải được kiểm soát chặt chẽ, thận trọng và hiện chỉ khuyến khích trong các hộ chăn nuôi lớn, trang trại, gia trại chứ không tái đàn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát. Ở thời điểm cao nhất là tháng 5 có trên 1,2 triệu con lợn bị tiêu hủy nhưng đến nay số lợn tiêu hủy thống kê mới đây đã giảm đến 97%. Cũng theo thống kê, cả nước đã có 3 tỉnh hết dịch tả lợn châu Phi và 80% số xã đã qua 30 ngày không ghi nhận có lợn chết và đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương tái đàn, phục hồi sản xuất.
Để phục hồi ngành chăn nuôi sau dịch bệnh phải mất nhiều năm. Nhưng với dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn hạt nhân hiện vẫn còn 109.000 con cụ, kỵ, ông bà và trên 2,7 triệu lợn nái, đảm bảo cung cấp con giống để tái đàn.
Đáng lo nhất là giá lợn hiện nay còn cao, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu tái đàn nhưng không đảm bảo được các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh dễ tái phát sẽ gặp rủi ro lần hai. Ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi thì thịt lợn thiếu hụt, giá cao là chuyện đương nhiên, nhưng tổng nguồn thực phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý đảm bảo sẽ không thiếu.
Với sự yêu cầu quyết liệt từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những ngày vừa qua, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn đã giảm giá bán thịt lợn hơi. Giá lợn hơi hiện nay đã ổn định và có chiều hướng đi xuống. Ngay đầu năm 2020, Bộ sẽ tổ chức hội nghị chuyên sâu bàn chiến lược chăn nuôi trong giai đoạn 2020-2030.
Đối với ngành thịt lợn trong 10 năm tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tính toán để cơ cấu lại tỷ lệ trong nhóm thực phẩm cho phù hợp với sự vận động của nền kinh tế và cơ cấu dân số, chứ không để thịt lợn chiếm 70% trong rổ thực phẩm.
Nhiều triển vọng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi
Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2019 ước đạt gần 700 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2018. Mặc dù dịch tả lợn châu Phi hoành hành dữ dội, nhiều bệnh khác như lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh... vẫn chưa được thanh toán triệt để, nhưng ở nước ta cũng đã thiết lập được nhiều vùng, nhiều trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đến nay, toàn quốc có 32 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó có 31 vùng cấp huyện và 1 vùng cấp tỉnh; 138 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã và 1.662 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp trang trại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị OIE cử các chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh, trong đó có chuỗi chăn nuôi lợn tại Bình Thuận, chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh tại Bình Phước để xuất khẩu. Do tiềm năng xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản rất lớn nên một số công ty đã có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm với quy mô và công suất lớn hơn.
Điển hình như Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đang đầu tư xây dựng chuỗi trang trại chăn nuôi, nhà máy giết mổ, chế biến ở tỉnh Bình Phước với kinh phí trên 230 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2020; Công ty Koyu & Unitek dự kiến đầu từ nhà máy giết mổ, chế biến mới ở tỉnh Long An; Công ty Phú Gia đã đầu tư xây dựng chuỗi trang trại, nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm ở tỉnh Thanh Hóa...
Ngày 2/10/2019, Cục Vệ sinh thực phẩm và Môi trường Hồng Kông cũng đã có thư thông báo chấp thuận nhập khẩu thịt gà chế biến từ Việt Nam với điều kiện các lô thịt gà chế biến xuất khẩu từ Việt Nam sang Hồng Kông phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu do Cục Thú y cấp và xác nhận các điều kiện an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo mẫu đã được thống nhất. Cơ quan thú y của Liên bang Nga cũng đã thăm chuỗi sản xuất thịt gà chế biến của Việt Nam vào ngày 29/11/2019, họ đã đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ xem xét nhập khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam.
Ngày 16/10/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Thông báo số 156/2019 chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam, trong đó Công ty cổ phần sữa TH là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đủ điều kiện được Trung Quốc cấp mã số để xuất khẩu 2 nhóm sản phẩm sữa (gồm có: sữa tiệt trùng và sữa bổ sung hương liệu tự nhiên) sang thị trường Trung Quốc.
Lợn 100kg là phải xuất bán
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam
Đối với Công ty C.P, do hầu hết trang trai chăn nuôi là chuồng kín, trang thiết bị hiện đại, chăn nuôi tuân thủ tuyệt đối quy trình an toàn sinh học, nên hầu như bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Hiện tại, đầu lợn chăn nuôi tại hệ thống các trang trại của C.P vẫn duy trì ổn định, tổng đàn tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, C.P đang có 265.000 heo thịt, số lượng con giống ông bà, cụ kị là 54.500 con. Trong thời gian qua, công ty cũng tăng nguồn cung ra thị trường, lứa lợn xuất chuồng từ 96kg đến hơn 100kg.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công ty đã hạ giá bán lợn hơi xuống mức 83.000 đồng/kg, thấp hơn 5.000 đồng so với giá xuất chuồng của các hộ nông dân chăn nuôi quy mô nhỏ.
Chủ trương của C.P là đồng hành với Bộ, người tiêu dùng để giá ổn định ở mức thấp nhất. Thực tế không ai mong muốn giá quá cao, vì không mang tính bền vững. Thực tế nuôi heo có trọng lượng lớn thì sẽ giảm được chi phí con giống, nhưng lại tăng chi phí thức ăn chăn nuôi.
Nếu heo có trọng lượng 130–140kg thì sức đề kháng của con heo đã giảm, nguy cơ dịch bệnh cao, nên C.P thường nuôi lợn đến trọng lượng trên dưới 100 kg là phải xuất chuồng. Vừa qua C.P cũng tư vấn cho các trang trại chăn nuôi là đối tác liên kết gia công của công ty tăng đàn có kiểm soát, an toàn sinh học.
Tại Việt Nam hiện nay, khâu kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ đang kiểm soát chưa được chặt chẽ. Việc này ảnh hưởng và thiếu công bằng đối với những DN đầu tư bài bản. Bởi chi phí đầu tư một dây chuyền giết mổ rất cao. Ngoài ra, rủi ro của ngành chế biến này cũng rất lớn. Do đó, Nhà nước cần kiểm soát chặt khâu giết mổ, quan tâm khuyến khích đến truy xuất nguồn gốc.
Chúng tôi kiến nghị, ngành thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét thay đổi lại hệ thống, cách thức quản lý việc vận chuyển heo giống hiện nay.
Việc dừng xe, sát trùng tại các trạm kiểm soát, kiểm dịch động vật hiện nay tiềm ẩn rất lớn nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh do bất cứ xe chở lợn nào cũng dừng và kiểm tra tại đó. Do đó, kiến nghị nên có hệ thống kiểm soát thú y và phun sát trùng riêng cho xe chở lợn giống, lợn cụ kỵ, ông bà, lợn nái, tránh lẫn lộn với lợn thịt.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng có thể yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết tự chịu trách nhiệm về lợn giống của mình. Thực tế, hiện nay tất cả các xe chuyên dụng vận chuyển lợn giống đều có gắn thiết bị định vị GPS nên lợn được vận chuyển từ đâu, đi đến chỗ nào đều được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, chi tiết trên Internet.
Chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành thêm hướng dẫn chi tiết quy trình, yêu cầu, thủ tục tái đàn tại những trại chưa bị dịch, những trại đã bị dịch đủ điều kiện tái đàn. Đồng thời, tạo điều kiện cấp phép trại mới tại những vùng chăn nuôi còn tiềm năng quỹ đất đã trong vùng quy hoạch chăn nuôi cho các doanh nghiệp có đủ nguồn lực, nhu cầu tái đàn, phát triển chăn nuôi bền vững.
Mục tiêu, giải pháp phát triển chăn nuôi năm 2020
Ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi
Mục tiêu của ngành chăn nuôi đề ra trong năm 2020 là: tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,5 triệu tấn.
Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, Cục Chăn nuôi đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm ổn định, phát triển chăn nuôi năm 2020. Đó là, tăng cường phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ và các vật nuôi khác (ong, chim yến...) duy trì chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 phù hợp với Luật chăn nuôi. Đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, phát huy lợi thế về khả năng sản xuất một số giống vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng; phát triển bền vững góp phần đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Song song với công tác phòng chống quyết liệt bệnh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương triển khai tốt các biện pháp phát triển các loại vật nuôi khác để giữ mức tăng trưởng và góp phần cân đối thị trường thực phẩm bù đắp phần thiếu hụt của mặt hàng thịt lợn do dịch bệnh gây ra.
Công tác tái đàn lợn được thực hiện quyết liệt nhằm duy trì đàn lợn đủ cung cấp nguồn thịt lợn đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng, cùng với hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi lớn có điều kiện đảm bảo an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn tại địa phương.
Thực hiện sản xuất chăn nuôi theo hình thức chuỗi liên kết (bao gồm chuỗi khép kín và chuỗi hở) đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng, cần xây dựng các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng mã định danh, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Về phương thức chăn nuôi, quan điểm chung là tạo ra bước đột phá về phương thức chăn nuôi, theo đó tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Chăn nuôi nhỏ lẻ từng bước tổ chức lại theo hướng có kiểm soát bảo đảm an toàn sinh học và giảm tỷ trọng.
Thông tin phải dễ hiểu; chỉ đạo không nên cứng nhắc
Ông Lê Năng Công - Chủ một trang trại chăn nuôi lợn tại xã Hưng Giáo - Tam Hưng - Thanh Oai - Hà Nội
Tôi là nông dân chăn nuôi, có trang trại quy mô nuôi lợn mỗi lứa 220 con, với 3 dãy chuồng chia thành: lợn thịt, lợn choai, lợn nái. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, tôi cũng như hàng triệu hộ chăn nuôi, chưa đầu tư xây dựng chuồng kín lắp đặt trang thiết bị hiện đại, mà vẫn theo mô hình chuồng hở.
Vào cuối tháng 4/2019, trang trại của tôi xảy ra dịch bệnh bắt đầu từ dãy lợn thịt. Tôi đã báo thú y xã tiêu hủy dãy này và xin khoanh lại các dãy chưa bị dịch để cách ly, đã tiêu hủy và chết tổng cộng khoảng 100 con toàn trại, còn giữ lại 120 con. Qua quan sát, tôi phỏng đoán ruồi muỗi, chuột, côn trùng là vật thể đem mầm bệnh từ bên ngoài vào. Vì vậy, ban đầu tôi dùng lưới cước để ngăn ruồi muỗi.
Sau đó, tôi chuyển sang dùng lưới chắn muỗi inox và cải tạo lại toàn bộ chuồng theo hướng an toàn sinh học. Sau 7 tháng kể từ ngày dịch bùng phát, trang trại của tôi không có thêm con lợn nào bị mắc bệnh và chết nữa.
Để phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi, nông dân chăn nuôi kiểu chuồng hở cần nhanh chóng sử dụng lưới cước, lưới inox tùy theo điều kiện của mình sao cho ruồi, muỗi, chuột... không thể xâm nhập. Nên thiết kế lối đi giữa 2 dãy chuồng là rãnh chứa nước có đổ vôi vừa có tác dụng làm mát, vừa có tác dụng sát trùng tránh lây chéo các ô chuồng.
Cửa vào khu chăn nuôi nên có một khoang cách ly để khi vận chuyển thức ăn vào nếu có ruồi muỗi xâm nhập ta diệt luôn. Nên thực hiện nấu chín thức ăn cho lợn nếu nông hộ tự cung cấp thức ăn. Không nên sử dụng nước mặt cho ăn uống, tắm rửa chuồng trại. Về lâu dài, cần chuyển hẳn sang kiểu chuồng kín.
Nông dân chúng tôi luôn theo dõi mọi khuyến cáo, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua báo chí và các kênh truyền thông, để có hành động bảo vệ trang trại.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy những thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng liên quan đưa ra thường chỉ nói chung chung và yêu cầu các trang trại, nông dân chăn nuôi phải thực hiện tốt công tác an toàn sinh học. Nói và chỉ đạo như vậy, thì bà con nông dân không thể hiểu và tiếp nhận được.
Khuyến cáo đến nông dân cần phải đưa ra các giải pháp cụ thể, dễ hiểu với những cách nói dân dã, chứ không nên sử dụng những câu từ mà chỉ những nhà khoa học, cán bộ và người có chuyên môn sâu mới hiểu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất cứng nhắc trong khâu chỉ đạo, thể hiện ở việc bắt buộc chủ trại phải tiêu hủy toàn bộ lợn khi xảy ra dịch. Làm như vậy gây hoảng sợ cho chủ trại, gây ra tình trạng bán tống bán tháo.
Thực tế, dịch xảy ra chỉ từng ô chuồng nên chỉ cần tiêu hủy cục bộ là được. Bộ không cho phép người chăn nuôi tái đàn ngay khi có thể. Vẫn biết rằng nếu cho phép tái đàn thì dịch sẽ có nguy cơ quay lại. Nhưng tại sao không cho chủ trang trại được quyền tự quyết trong việc tái đàn với điều kiện chủ chăn nuôi ký cam kết nếu họ tái đàn thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi dịch tái phát?
Các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không nắm bắt được thực trạng dịch bệnh, và đến thời điểm này vẫn lạc quan (tếu) khi nói rằng dịch bệnh chỉ ảnh hưởng tới 8,5% tổng đàn, trong khi thiệt hại thực tế lớn hơn rất nhiều.
Đơn cử, như xã tôi trước khi xảy ra dịch có 5.000 con lợn, đến nay cả xã chỉ còn 600 con lợn. Hay như ở xã Ngọc Lũ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – là một trong những xã có số đầu lợn cao hàng đầu miền Bắc, trước khi xảy ra dịch có 400 hộ nuôi với 45.000 con lợn thì nay chỉ còn 40 hộ đang còn lợn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần công bố số liệu chính xác thì mới có phương hướng điều hành đúng đắn, tránh được tình trạng bị động, điển hình là việc nguồn cung thịt lợn thiếu hụt dẫn đến giá tăng vọt như hiện nay. Đồng thời, số liệu trung thực, chính xác thì mới có biện pháp phòng dịch đúng đắn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kiểm tra mọi sản phẩm thức ăn chăn nuôi lưu thông trên thị trường, nếu phát hiện sản phẩm nào dính virus dịch tả lợn châu Phi thì bắt buộc phải tiêu hủy.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần cho phép tái đàn với tất cả các cơ sở chăn nuôi với điều kiện họ tự chịu trách nhiệm khi dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, cần bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi khi tái đàn, vì gây phiền phức và thực sự không hiệu quả. Đây là biện pháp chính để đẩy lùi dần tình trạng thiếu cung hiện nay.
Quyết liệt phòng chống dịch bệnh
Ông Từ Anh Sơn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ
Phú Thọ là tỉnh có chăn nuôi khá phát triển. Năm 2019, tổng đàn lợn đạt 609,3 nghìn con (trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi đàn lợn 853,1 nghìn con), đàn gia cầm 15,1 triệu con, đàn trâu 61,4 nghìn con, đàn bò 116,5 nghìn con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại của tỉnh năm 2019 đạt 175,3 nghìn tấn, tăng 2,5% (4,3 nghìn tấn) so với năm 2018; sản lượng trứng đạt 405 triệu quả, tăng 18,54% (63 triệu quả) so với năm 2018.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh từ tháng 5/2019 (3 tháng sau khi vào Việt Nam). Đến nay, toàn tỉnh đã công bố dịch tại 218 xã, phường, thị trấn với 1.150 khu, 4.774 hộ (có 59/277 xã không bị dịch, chiếm tỷ lệ 21%); tổng đàn lợn tiêu hủy 57,4 nghìn con (chiếm 6,7% tổng đàn của tỉnh); ước thiệt hại trực tiếp đối với người chăn nuôi khoảng 130 tỷ đồng.
Dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn, có diễn biến rất phức tạp, cao điểm vào tháng 6/2019 (gần 1.200 hộ chăn nuôi báo cáo dịch trong tháng 6/2019). Tuy nhiên ổ dịch xảy ra hầu hết ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi không đảm bảo điều kiện ATSH; chỉ duy nhất có 2 trang trại chăn nuôi quy mô lớn bị dịch trong tổng trang trại 218 trang trại chăn nuôi lợn toàn tỉnh.
Khi dịch xảy ra, tỉnh đã thành lập 237 chốt kiểm soát cấp huyện, xã để ngăn chặn dịch bệnh vào địa bàn. Đồng thời thành lập 292 đội kiểm soát lưu động để kiểm soát hoạt động giết mổ lợn trên địa bàn.
Tỉnh đã thiết lập đường dây nóng từ tỉnh đến xã để tiếp nhận thông tin dịch bệnh, các vi phạm trong phòng chống dịch xử lý kịp thời (số điện thoại đường dây nóng trực tiếp của lãnh đạo các đơn vị quản lý thị trường, thú y, thành viên Ban chỉ đạo các cấp, lãnh đạo UBND cấp xã). Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ngành nông nghiệp phối hợp với đài, báo, sở thông tin truyền thông...
Đồng thời, quản lý chặt chẽ đội ngũ thương lái (mua bán con giống, thịt thương phẩm), bởi xác định đây là đội ngũ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ phát tán dịch bệnh. Khi nhận thông báo trên địa bàn có lợn ốm, cơ quan thú y tổ chức lấy mẫu để xác định nguyên nhân bệnh; đến nay, toàn tỉnh đã lấy 1.500 mẫu giám sát, chẩn đoán dịch bệnh.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu hủy được thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra khiếu kiện, khiếu nại; tổ chức niêm yết công khai danh sách hỗ trợ người dân thiệt hại do dịch tả lợn châu phi tại xã, khu để người dân giám sát.
Hiện đã thực hiện thẩm định hồ sơ hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi đến hết tháng 10/2019, với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 95,87 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định cấp hỗ trợ cho các huyện, thành, thị là 91,58 tỷ đồng.
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được kiểm soát. Dự kiến trong tháng 1/2020, Phú Thọ công bố hết dịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngay khi dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo việc tái đàn; tuy nhiên chỉ thực hiện tại các trang trại chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và các cơ sở chủ động sản xuất con giống nuôi khép kín từ lợn nái đến lợn thịt; không khuyến cáo tái đàn. Nhờ vậy, sản lượng thịt hơi trên địa bàn tỉnh giảm không nhiều.