Trong tháng 5, hầu hết hãng xe lớn đều chứng kiến doanh số tăng trưởng so với tháng trước sau hàng loạt nỗ lực kích cầu của các nhà sản xuất. Tính trung bình, doanh số ô tô tháng vừa qua tăng khoảng 6%, theo số liệu từ VAMA.
Đây vẫn là 2 thương hiệu có doanh số cao nhất thị trường trong tháng vừa qua với số bán lần lượt 5.356 và 4.914 xe. Cộng dồn từ đầu năm 2024, Hyundai vẫn là thương hiệu top 1 thị trường với 19.334 xe bán ra trong khi Toyota xếp sau với khoảng cách gần 2.000 xe (17.160 xe).
Đáng chú ý, đây là tháng thứ 2 liên tiếp doanh số của Toyota vượt qua đối thủ từ Hàn Quốc, giúp hãng thu hẹp dần khoảng cách với đối thủ mặc dù không nhiều. Trong bối cảnh thị trường tương đối ảm đạm hiện tại, mức cách biệt 2.000 xe cũng là con số không hề nhỏ. Tháng này, Toyota có đến 4 mẫu xe nằm trong top 10 bán chạy nhất, cho thấy vị thế “ông trùm” xe phổ thông của hãng.
Đứng thứ 3 trong nhóm top đầu doanh số là Ford với 3.270 xe bán ra, cộng dồn từ đầu năm đạt 14.344 xe. Ford đang sở hữu một dải sản phẩm tinh gọn nhưng hiệu quả với những 2 cái tên thường xuyên có mặt trong top bán chạy là Ranger và Everest.
Trong khi đó, Mitsubishi sau sự xuất hiện của SUV đô thị Xforce cũng đang vươn lên mạnh mẽ với 3.151 xe bán ra tháng vừa qua, cộng dồn đạt 11.709 xe. Xpander vẫn là “chủ lực” doanh số của thương hiệu Nhật, doanh số bán ra cũng tỏ ra vượt trội so với các đối thủ.
Sở hữu một dải sản phẩm được xem là “quốc dân” đối với người dùng Việt nhưng các tháng gần đây, Kia đang có dấu hiệu hụt hơi so với các đối thủ. Trước đây, thương hiệu này tỏ ra vững vàng ở vị trí top 3 thị trường thì trong tháng gần nhất, doanh số của hãng đã rơi xuống top 5 với 2.315 xe bán ra, cộng dồn từ đầu năm đạt 11.133 xe.
Một model chủ lực của thương hiệu Hàn là Kia Seltos vừa có bản nâng cấp nhưng hiện đã tỏ ra đuối thế trong cuộc đua ở phân khúc SUV đô thị trước sự xuất hiện của Mitsubishi Xforce. Kia Sonet dù vẫn có doanh số ổn nhưng chưa đủ mang đến sự bứt phá.
Trong khi đó, cái tên đình đám một thời là K3 (Cerato trước đây) ngày càng “mất hút” trong các bảng xếp hạng doanh số , chủ yếu đến từ xu hướng chuyển đổi từ xe gầm thấp lên gầm cao của người dùng Việt.
Cùng với đó, các mẫu xe được xem là “mới” của Kia như Sportage hay Caren chưa để lại quá nhiều ấn tượng với mức doanh số vừa phải. Các mẫu xe cỡ nhỏ kia Morning hay Soluto đều không phải lựa chọn hàng đầu trong phân khúc.
Nếu tính doanh số 5 tháng đầu năm, 2024 đang là năm xe Kia có sức bán kém nhất. Ngay cả trong năm 2023, khi doanh số toàn thị trường “xuống đáy”, hãng này vẫn bán được gần 14.000 xe sau 5 tháng đầu năm. Trước đó 1 năm, Kia đã bàn giao gần 32.000 xe sau 5 tháng.
Nhìn chung, xu hướng chung của thị trường ô tô Việt giai đoạn này vẫn khá ảm đạm. Các hãng và đại lý buộc phải đẩy mạnh giảm giá sản phẩm, kết hợp các chương trình ưu đãi khác để kích cầu mua sắm. Với các mẫu xe lắp ráp trong nước, hầu hết đều đang chờ đợi đề xuất giảm 50% phí trước bạ được thông qua để tạo một cú hích cho toàn thị trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, chương trình hỗ trợ này có thể chỉ mang đến “niềm vui” cho hãng xe trong khi phần hưởng lợi của người dùng không nhiều bởi theo kinh nghiệm từ các năm trước, ngay khi chính sách giảm phí trước bạ được áp dụng, hầu hết các mẫu xe lắp ráp trong nước ngay lập tức cắt bớt khuyến mại, khiến tổng số tiền người dùng phải bỏ ra để sở hữu xe không thay đổi quá nhiều so với trước đó.