Hàng loạt ông lớn tham gia
Đầu tháng 6.2019, mạng xã hội chuyên về du lịch Hahalolo ra mắt với những tuyên bố rất mạnh mẽ là sẽ đạt “2 tỉ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ)”, cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Tuy nhiên, mục tiêu quá tham vọng này đã nhận được nhiều phản ứng không tích cực từ chính phía người dùng, cũng như xét trên cơ sở nền tảng còn khá sơ sài của MXH này.
Hôm 23.7, thêm mạng xã hội Gapo ra mắt, nhắm vào giới trẻ Việt với mục tiêu thu hút 3 triệu người dùng đến năm 2020 và 50 triệu người dùng tính đến 2021. Khác với Hahalolo gây tranh cãi khi khá “mập mờ” về nguồn vốn đầu tư thì trong buổi ra mắt, Gapo cho biết nhận được cam kết đầu tư 500 tỉ đồng từ quỹ G-Capital cho giai đoạn 2019 - 2021.
Tuyên bố trên Facebook, ông Dương Vi Khoa, GĐ chiến lược Gapo, cho biết ngoài những tính năng tương tác như các mạng xã hội hiện tại, Gapo sẽ chia sẻ lợi nhuận với người dùng đã định danh, tạo được nội dung hấp dẫn trên nền tảng của Gapo, mà không cần là một KOL (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng) hay người nổi tiếng.
Trong cuộc đua làm mạng xã hội hiện tại, đáng chú ý nhất phải kể đến mạng xã hội Viva VietNam do VcCorp phát triển. Được thành lập từ tháng 1.2019, vốn điều lệ tại thời điểm thành lập công ty Mạng xã hội Viva là 69 tỉ đồng, trong đó CTCP VcCorp góp gần như toàn bộ 99,986%.
Mạng xã hội Gapo. Ảnh: PV
Có cạnh tranh được với Facebook, Youtube
Theo Bộ TT&TT, số người dùng 2 mạng xã hội trong nước là Zalo (VNG) và Mocha (Viettel) hằng tháng lần lượt lên tới 46,7 triệu và 4,8 triệu.
Như vậy, ngay cả Zalo vốn không thua kém nhiều về số lượng người dùng của Facebook tại Việt Nam. Cụ thể, kết quả thống kê độc lập do một doanh nghiệp Việt Nam kết hợp với các nhà mạng đánh giá số lượng người dùng Facebook hàng tháng vào khoảng 50 triệu người, người dùng Youtube hàng tháng vào khoảng 30 triệu người.
Tuy nhiên, điều nghịch lý ở chỗ, tuy có số người dùng tương đương hoặc hơn, tuy nhiên phần lớn doanh thu từ quảng cáo trực tuyến lại rơi vào các mạng xã hội xuyên biên giới. Cụ thể, Facebook và YouTube cũng là những trang đang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%, nguồn tiền quảng cáo cũng rơi phần lớn vào túi những ông chủ của các trang mạng xã hội này. Facebook đạt 235 triệu USD, Google (YouTube) đạt gần 133 triệu USD, hai trang này chiếm tới 70% doanh thu từ quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Thế Tân VCCorp từng đưa ra nhận định, các doanh nghiệp nội dung số trong nước vẫn có cơ hội giành lại thị trường, giành lại chủ quyền thông tin từ nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Bởi vì, các nền tảng nước ngoài tuy mạnh và độc quyền, nhưng vì đặc trưng của họ chỉ là phân phối mà không có sản xuất nội dung, nên các nhà sản xuất nội dung Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lấy lại chủ quyền thông tin. Nếu các bên có nội dung mạnh thì có thể đàm phán và chiếm lợi thế.
Về cơ chế hỗ trợ mạng xã hội Việt phát triển, ông Tân cho rằng, cơ chế bảo hộ ngược trong một thời gian dài đang ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Ông Tân dẫn chứng, Google, Facebook không phải nộp thuế, còn doanh nghiệp Việt Nam nộp đủ 4 loại thuế, phí liên quan doanh nghiệp. Google, Facebook không cần giấy phép. Doanh nghiệp nội dung số Việt Nam buộc phải cấp phép và không được sáng tạo ra ngoài những gì được cấp phép theo cách quy định được ban hành và xây dựng cách đây 10 năm.
“Chính sách phải áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, yêu cầu mạng xã hội Việt thực hiện thế nào thì cũng phải yêu cầu Facebook, Google thực hiện đúng như thế. Phải đặt các doanh nghiệp trong cùng một sân chơi, còn nếu khắt khe với doanh nghiệp Việt nhưng lại dễ dãi với doanh nghiệp nước ngoài là bảo hộ ngược”, ông Tân thẳng thắn nói.