Ông Nguyễn Hữu Vạn, chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cảnh báo nếu người chơi không tỉnh táo, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm mà lao vào đầu tư lan đột biến có thể dẫn đến trắng tay, vỡ nợ.
Bày tỏ sự quan ngại, lo lắng về cơn sốt lan đột biến trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cho rằng: "Chẳng có ai bỏ tiền ra chơi mấy thứ đắt đỏ thế đâu nên không tỉnh táo, lao vào là chết". Đặc biệt, theo ông Vạn, những người chơi đến sau vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu hiểu biết mà nghe dụ dỗ, bỏ tiền tỷ vào đầu tư có thể nhận "trái đắng".
Có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sinh vật cảnh, ông Vạn nhận định, dù cây lan có quý, có đột biến gen thế nào cũng không thể có giá lên tới vài trăm tỷ đồng.
Thương vụ lan var 250 tỷ đồng gây bão dư luận |
"Tôi chưa bao gặp một cây lan nào có giá hàng chục tỷ đồng, chứ đừng nói đến hàng trăm tỷ đồng. Bởi con số ấy cực kỳ lớn, không phải ai cũng có. Như một chiếc ô tô xịn, đời mới hiện nay cũng chỉ có 2 - 3 tỷ đồng thì lấy đâu ra cây lan như vậy" - ông nói.
Do đó, các thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với giá 250 tỷ đồng hay giao dịch lan đột biến Bảo Duy có giá gần 19 tỷ đồng ở Hà Nam vừa qua, theo ông, đều là ảo, không có thật.
"Nhiều người hiện ôm mộng làm giàu, cứ nghĩ mua cây lan về nhân giống, bán ra, rồi có thể thu lời "khủng" mà đâu hiểu những rủi ro đang tiềm ẩn phía sau. Thứ nhất là trường hợp cây chết là sẽ mất tất cả. Thứ hai là có nhân được giống đi chăng nữa thì khi ấy thị trường đã bão hòa, đồng nghĩa với việc giá cả sẽ khác đi. Bởi có người thứ nhất mua cây về trồng, nhân giống thì sẽ có người thứ hai" - ông tâm sự.
Đặc biệt, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam còn đưa ra đề xuất để thị trường lan đột biến trở về với quỹ đạo, giá trị thật là các quan, chức năng phải vào đồng loạt vào cuộc, thanh kiểm tra.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp nên có biện pháp truy xuất, xác định nguồn gốc lan. Còn các cơ quan công an cần làm rõ, xác minh các cuộc giao dịch, xem đối tượng mua bán những cây lan trăm tỷ đồng là ai, có yếu tố lừa đảo, rửa tiền, đa cấp trong đó hay không.
Các thương vụ mua, bán lan đột biến trên mạng đều ghi rõ tên, số tiền và hình ảnh người mua vì nhiều mục đích khác nhau (Ảnh vụ giao dịch lan gần 19 tỷ đồng tại Hà Nam). |
Còn theo quan điểm của luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, một hàng hóa được định giá quá cao, khó tin luôn khiến người quan sát nghi ngờ về giá trị thực, tính trung thực của nó. Tuy vậy, ngoài những hàng hóa Nhà nước ấn định, định giá thì những hàng hóa khác trên thị trường được các bên giao dịch tự do thỏa thuận.
Có nghĩa là nếu hai bên tham gia giao dịch với giá trị lớn đến đâu mà không liên quan đến các yếu tố lừa đảo, rửa tiền, đa cấp biến tướng… chỉ thuần nhất là giao dịch thật như vậy thì cũng không vi phạm quy định pháp luật.
Cơ quan chức năng có trách nhiệm vào cuộc xác minh những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch lan đột biến để xác định có hay không dấu hiệu tội phạm. Hoặc có thể cảnh báo người dân tránh hoạt động đầu cơ, mua giá trị ảo mất tiền thật.
Theo ông Lực, trong lịch sử thế giới, việc một sản phẩm được định giá bất thường luôn dẫn tới hệ quả vỡ bong bóng. Ví dụ như đầu cơ hoa Tulip ở Hà Lan, Dotcom cuối những năm 1990. "Chừng nào niềm tin, sự tự định giá của thị trường vẫn còn thì con người không quan tâm, tìm hiểu giá trị thật của sản phẩm. Mọi người coi sản phẩm đó là một hoạt động đầu tư, mua bán kiếm lời, không cần quan tâm đến yếu tố định giá sản phẩm", ông bình luận.
Nếu có việc kinh doanh lan đột biến với giá trị hàng trăm tỷ, có việc chuyển dịch tiền tệ, phát sinh thu nhập thì bên bán, có thu nhập phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Còn khi người dân nếu trồng và bán lan đột biến sẽ không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với sản phẩm của mình làm ra.
(Theo Dân Trí)