Sâm Hàn Quốc đang được rao bán nhiều trên thị trường với giá khá rẻ nhưng nguồn gốc, chất lượng lại nhập nhèm.
Hơn 50 củ sâm dùng để hầm gà “chuẩn Korea” được tài khoản Facebook N.T.B.N. rao bán với giá chỉ 500.000 đồng/kg với hàng loạt công dụng được giới thiệu như “tăng sức khỏe, và cả… kháng bệnh COVID-19 (?)”. Sâm trọc (loại sâm củ đã cắt hết rễ) sáu năm tuổi được rao bán với số lượng hàng trăm kg, với giá 1,2 triệu đồng/kg.
Loại sâm Heaven được một tiệm đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông bán với giá 1,5 triệu đồng/hộp 600g |
Trên trang “Sâm tươi Hàn Quốc”, sâm sáu tuổi có giá 1,4 triệu đồng/kg loại 10 củ, khoảng 3 triệu đồng/kg loại 2 củ. Trên trang “Sâm Hàn Quốc chính hãng”, một số người tự giới thiệu đang sinh sống ở Hàn Quốc báo giá với chúng tôi 2,2 triệu đồng/kg 2 củ, sáu năm tuổi, giá các loại sâm khác chỉ trên dưới 1 triệu đồng/kg. Các địa chỉ bán sâm tươi Hàn Quốc trên mạng đều sử dụng hình ảnh sâm được đựng trong rổ, lót bằng giấy báo có chữ Hàn Quốc. Trong hình, củ sâm có màu vàng ươm nhưng khi đặt mua, hàng được giao là loại sâm có màu trắng bệch hoặc vàng pha trắng, củ bị xốp.
Trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, TPHCM, các tiệm thuốc đông y chủ yếu bán sâm khô, sâm hộp, sâm cắt lát, ngâm rượu với giá cũng rất rẻ: sâm khô Hàn Quốc không nhãn mác có giá 2,5 triệu đồng/kg (khoảng 40 củ) và loại đựng trong hộp thiếc ghi hiệu Heaven có giá 1,5 triệu đồng/600g. Theo nhân viên tiệm T.H., hộp sâm Heaven còn được gọi là Thiên Sâm, là nhãn hiệu sâm đứng đầu Hàn Quốc, do là hàng xách tay nên có giá rẻ.
Loại sâm Heaven được một tiệm đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông bán với giá 1,5 triệu đồng/hộp 600g |
Theo đại diện Công ty cổ phần Trường Xuân Thịnh - nhà phân phối độc quyền thương hiệu sâm Cheong Kwan Jang, Hàn Quốc - tình trạng sâm giả, sâm kém chất lượng núp bóng dưới hình thức xách tay đang ngày càng phổ biến. Sâm nhập khẩu chính ngạch do Bộ Y tế cấp phép, có giấy công bố chất lượng sản phẩm và thường có tem chống giả của Bộ Công an, có mã cào để người dùng soạn tin đối chiếu và có nhãn phụ sản phẩm.
Còn theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Sơn - giảng viên bộ môn y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TPHCM - không dễ để có thể bảo quản sâm, nhất là sâm tươi. Để giữ được hoạt chất của dược liệu nói chung, phải thu hái đúng mùa, đúng kỹ thuật và phải sơ chế, bảo quản đúng cách. Đối với nhân sâm đủ tuổi, sau khi thu hoạch, nhà sản xuất sơ chế ngay để giữ được hoạt chất, sau đó bảo quản rất kỹ và thường xuất đi dưới dạng khô. Sâm tươi thường được sử dụng trực tiếp ở Hàn Quốc vì hoạt chất vẫn còn nhiều, hoặc người bản xứ tận dụng những loại không đạt chất lượng để ăn như các loại rau ăn củ khác, tuy nhiên không phải ngày nào cũng ăn, vì ăn nhiều có thể không tốt.
Người có chuyên môn phân biệt tuổi của sâm bằng cách cắt sâm ra và nhìn vào các vòng trên củ. Củ nhỏ, không đạt đủ độ tuổi thì sẽ không có nhiều hoạt chất, việc bảo quản không tốt cũng làm mất chất lượng sâm. Do đó, khi về đến Việt Nam dưới dạng tươi, không đủ tuổi, sâm không còn nhiều hoạt chất và giống rau nhiều hơn. “Loại củ sâm Hàn Quốc đạt sáu tuổi khá đắt, còn loại 2-3 tuổi hoặc bị ngập nước, bị sâu rầy thì giá khá rẻ. Loại được bán rẻ trên mạng có thể là loại không đủ tuổi, hoặc có thể bị trộn với sâm Trung Quốc. Hiện ở các vùng biên giới, sâm Trung Quốc tràn về rất nhiều; nếu là hàng trôi nổi thì hầu hết đều bị chiết hết các hoạt chất bên trong. Do đó, người tiêu dùng đừng vì ham rẻ mà chọn mua hàng trôi nổi” - bác sĩ Nguyễn Thị Sơn nói.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)