Dự án Hầm đường bộ Hải Vân 2 nối TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả, bao gồm: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2, với tổng vốn đầu tư 26.154 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 5.048 tỷ đồng.
Hầm đường bộ Hải Vân 2 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, có chiều dài phần hầm 6,2 km (2 làn xe rộng 7 m), đường dẫn phía Bắc 1,7 km và đường dẫn phía Nam 4 km. Hầm Hải Vân 2 được khởi công tháng 4/2016, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn I nâng cấp đoạn tuyến Quốc lộ 1A qua đèo Hải Vân và nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 đã hoàn thành vào tháng 8/2017. Giai đoạn 2 thi công mở rộng ống hầm Hải Vân 2 (trên cơ sở hầm lánh nạn cũ) và đến tháng 9/2020 kết thúc thi công, vượt tiến độ 3 tháng.
Toàn cảnh đường dẫn vào phía bắc hầm đường bộ Hải Vân 2.
Theo ông Phạm Thanh Hà, quyền Giám đốc Ban quản lý dự án hầm đường bộ Hải Vân 2, các hạng mục chống thấm, đổ bê tông vỏ hầm, lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm soát an toàn thông minh, hệ thống phòng cháy, cứu nạn, hệ thống biển cảnh báo ở miệng hầm, hệ thống đèn điện chiếu sáng... đã hoàn thành.
Để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán, chủ đầu tư đã đề xuất và được Bộ GTVT thống nhất cho vận hành, đảm bảo phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1/2-21/2. Sau thời gian trên, nhà đầu tư sẽ đóng hầm Hải Vân 2 (hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường) để giải quyết các vướng mắc.
Hầm đường bộ Hải Vân 2 khi đưa vào khai thác sẽ cho phương tiện chạy một chiều song song với hầm Hải Vân 1, đạt tốc độ thiết kế tối đa 80 km/giờ và được các chuyên gia giao thông đánh giá như cuộc “giải cứu” từ trong lòng núi, giúp giảm tải lưu lượng xe, giảm ùn tắc và hạn chế tai nạn, cháy nổ cho hầm Hải Vân 1 đang quá tải nghiêm trọng.
Thống kê của chủ đầu tư cho biết, sau 14 năm khai thác (từ tháng 6/2005 đến nay), đã có hàng chục triệu lượt xe qua hầm Hải Vân 1. Bình quân có từ 14.000-15.000 lượt phương tiện qua hầm/ngày đêm và hầm thường xuyên xảy ra ùn tắc do lưu lượng phương tiện không ngừng gia tăng. Mỗi lần có sự cố như ô tô chết máy, va chạm giao thông hay cháy nổ trong hầm Hải Vân 1, thì đơn vị quản lý vận hành lại phải đóng hầm để xử lý, gây ùn tắc trên đèo Hải Vân.