Dubai, trung tâm thương mại nổi tiếng của vùng Vịnh, hiện đang đương đầu với rủi ro khủng hoảng nợ giống như cuộc khủng hoảng năm 2009 đã từng cướp đi hàng nghìn việc làm và khiến cho giá trị vốn hóa thị trường sụt giảm gần một nửa, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Tuy nhiên lần này, khó khăn mà Dubai đang phải đối mặt lần này lớn hơn rất nhiều so với thời gian trước bởi giá dầu giảm sâu và tình trạng phong tỏa toàn cầu do đại dịch Covid-19, cho đến nay, số lượng các ca lây nhiễm tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất hiện đã vượt quá 8.200 ca.
Tổ chức tư vấn Capital Economics viết trong nghiên cứu gần đây: “Dubai là một trong những nền kinh tế dễ tổn thương tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Chúng tôi nghĩ rằng kinh tế Dubai có thể tăng trưởng âm 5-6% trong năm nay nếu các biện pháp phong tỏa hiện tại có thể kéo dài sang mùa hè”.
Các biện pháp phong tỏa tại Dubai, thành phố tập trung những tòa nhà cao tầng nhất, đã khiến cho toàn bộ hoạt động kinh doanh cần thiết đóng cửa. Capital Economics lo ngại: “Tình trạng này sẽ khiến cho kinh tế Dubai suy giảm nghiêm trọng, nó khiến cho tình trạng dư thừa công suất tại một số ngành quan trọng trở nên tồi tệ hơn, và các cơ quan thuộc chính phủ nước này sẽ khó thu xếp được các khoản tài chính nhằm bù đắp cho các khoản nợ”.
Các tổ chức thuộc nhà nước Dubai, một trong số đó là công ty đầu tư Dubai World, đã từng vướng vào cuộc khủng hoảng nợ năm 2009 khi mà họ không thể thực hiện được các điều kiện trả nợ, họ có tổng số nợ dồn tichs 88,9 tỷ USD, tương đương khoảng 80% tổng GDP của Dubai, theo tính toán của Capital Economics. Năm 2018, IMF từng ước tính nợ của các tổ chức thuộc nhà nước Dubai là 60,3 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Renaissance Capital, ông Charles Robertson, nói với CNBC rằng đây không phải lần đầu tiên thị trường hoài nghi về khả năng Dubai vỡ nợ, tuy nhiên, lần này rủi ro vỡ nợ thực sự nghiêm trọng bởi khủng hoảng đang xảy ra trên nhiều lĩnh vực, từ y tế cho đến giao thông hay du lịch, một thị trường bất động sản có dư thừa nguồn cung và giá dầu giảm thê thảm.
Cuộc đại dịch lần này diễn ra sau nhiều năm doanh thu từ những ngành quan trọng nhất của Dubai giảm liên tục, đặc biệt phải kể đến nguồn thu từ bất động sản và du lịch khách sạn. Giá bất động sản nhà ở tại Dubai đã giảm 30% tính từ mức đỉnh vào năm 2014. Cùng lúc đó, doanh thu tính theo mỗi phòng khách sạn giảm hơn 25% tính từ năm 2015.
Trong năm ngoái, kinh tế Dubai tăng trưởng chỉ 1,94%, tốc độ tăng trưởng yếu nhất tính từ những ngày đen tối trong thời kỳ kinh tế sụp đổ vào năm 2009. Cuộc khủng hoảng hơn 1 thập kỷ trước đây có nguyên nhân từ việc thị trường bất động sản suy giảm. Khi đó Dubai đã phải xin hỗ trợ 20 tỷ USD từ quốc gia láng giềng Abu Dhabi.