Dòng chảy phương Bắc 1 ngừng vận hành để bảo trì
Đức đang chuẩn bị cho kịch bản Nga cắt đứt dòng chảy khí đốt vĩnh viễn từ ngày 11/7 khi Dòng chảy phương Bắc 1, đường ống chuyển khí đốt từ Nga sang nền kinh tế lớn nhất châu Âu qua Biển Baltic, bắt đầu bảo trì.
Việc bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dài 1.220km là một hoạt động hàng năm kéo dài từ 10-14 ngày. Tuy nhiên, chưa bao giờ Đức lại nghiêm túc đặt câu hỏi về việc liệu dòng chảy khí đốt qua đường ống này có được nối lại hay không.
Ngày 9/7, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã nói về “kịch bản ác mộng” có thể xảy ra đối với Đức khi bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
“Mọi thứ đều có thể xảy ra. Có thể là dòng khí đốt sẽ được nối lại, có thể lượng khí đốt sẽ nhiều hơn trước. Nhưng cũng có thể khí đốt sẽ không được chuyển tới nữa. Chúng ta cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất và cố gắng hết sức để đối phó với tình huống đó”, ông Habeck chia sẻ với đài truyền hình Deutschlandfunk.
Đức đang nhanh chóng vạch ra các kế hoạch dự phòng trên khắp đất nước. Quốc gia châu Âu này lo ngại rằng Nga có thể nhân cơ hội bảo trì Dòng chảy phương Bắc 1 để vũ khí hóa khí đốt như một đòn bẩy chống lại phương Tây trong cuộc chiến với Ukraine và cắt đứt nguồn cung khí đốt vĩnh viễn.
Trong trường hợp Nga cắt khi đốt tới Đức, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz có thể phải kích hoạt các biện pháp khẩn cấp như phân bổ và cứu trợ các công ty năng lượng. Nếu phải áp dụng phân bổ khí đốt, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào sản xuất của nền kinh tế Đức.
Khí đốt của Nga đóng vai trò quan trọng đối với sự vận hành của nền kinh tế Đức cũng như sưởi ấm cho phần lớn các ngôi nhà. Lượng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc đã giảm trong những tháng gần đây và đang ở mức khoảng 40%. Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm giảm dòng chảy khí đốt, cho rằng họ đã cản trở việc tiếp cận phụ tùng thay thế của Moscow.
Sau khi tham vấn với Đức và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Canada cho biết sẽ miễn trừng phạt và trả tua-bin nén khí trong đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 từ Nga tới Đức. Trước đó, tua-bin này được gửi tới Canada để sửa chữa và Ottawa ban đầu quyết định giữ lại thiết bị như một phần lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với Moscow.
Điện Kremlin cho biết sẽ tăng cung cấp khí đốt cho châu Âu sau khi tua-bin được trả lại cho Nga. Trong khi đó, Ukraine đã lên tiếng phản đối, cho rằng điều này sẽ khiến châu Âu tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt Nga.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Canada xem xét lại quyết định này và đảm bảo tính toàn vẹn của lệnh trừng phạt”, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Ukraine ra tuyên bố hôm 10/7.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Jonathan Wilkinson cho biết, quyết định của nước này là “có thời gian và có thể thu hồi” và sẽ giúp “châu Âu tiếp cận nguồn năng lượng đáng tin cậy và giá cả phải chăng trước khi hoàn toàn cắt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga”.
Đức đối phó với khủng hoảng khí đốt
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, bao gồm cả việc xây dựng các cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Mục tiêu ngắn hạn của Đức là cố gắng bổ sung kho dự trữ khí đốt cho mùa đông. Dữ liệu gần đây nhất của Cơ quan Viễn thông Quốc gia Đức cho thấy, các cơ sở lưu trữ khí đốt của nước này hiện lưu trữ được khoảng 63%. Theo Đạo luật khí đốt, các cơ sở tích trữ phải được lấp đầy 80% vào ngày 1/10 và lên tới 90% vào ngày 1/11.
Các công ty trên khắp nước Đức đang đảm bảo nguồn dự trữ, tìm kiếm các loại nhiên liệu thay thế và xem xét nguy cơ rủi ro nếu đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 ngừng hoạt động.
Mục tiêu dài hạn của Đức là giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo.
Đức đã và đang từng bước chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn phía trước. Ông Scholz đã so sánh tình hình hiện tại với sự gia tăng lạm phát trong những năm 1960 và 1970 và cảnh báo rằng điều này sẽ không sớm kết thúc.
Để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng, Đức đang đi ngược lại với các cam kết về môi trường khi buộc phải hồi sinh các nhà máy than để sản xuất điện. Theo ước tính của BloombergNEF, động thái này sẽ giúp nước này cắt giảm 52% lượng khí đốt được sử dụng cho lĩnh vực năng lượng trong 12 tháng tới.
Ngành công nghiệp và hộ gia đình của Đức tiêu thụ khoảng 2/3 nguồn cung khí đốt của đất nước.
Đức đã đưa ra kế hoạch để xem xét lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên tiếp cận với khí đốt trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị cắt giảm. Theo đó, bệnh viện và dịch vụ khẩn cấp đứng đầu danh sách ưu tiên.
Các văn phòng quốc hội ở Berlin đang hạ nhiệt độ phòng của hệ thống sưởi trung tâm. Vonovia SE, công ty cung cấp nhà ở lớn nhất tại Đức, thông báo đang nỗ lực tiết kiệm khí đốt nhiều nhất có thể để chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc. Vonovia SE cho biết, các kỹ thuật viên đã bắt đầu đặt giới hạn cho hệ thống sưởi qua đêm của phần lớn các căn hộ xuống 17 độ C./.