Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã có thông báo số 01/PS-TBTA ngày 12/07 thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) theo yêu cầu của CT CP Lilama 45.3. Lý do Lilama 45.3 yêu cầu phá sản là vì Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp có phát sinh khoản nợ đối với CTCP Lilama 45.3 là hơn 14.7 tỷ đồng và hơn 2.3 tỷ đồng lãi chậm thanh toán.
Vì sao một doanh nghiệp lớn như Đức Long Gia Lai với vốn điều lên gần 3.000 tỷ đồng lại không thể trả ngay khoản nợ gần 17 tỷ đồng cho Lilama 45.3?
Theo dữ liệu của Dân Việt, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (MCK: DLG) thành lập tháng 6/2007. Lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty là sản xuất thành phẩm từ gỗ, khai thác đá, kinh doanh thương mại, hoạt động xây lắp và kinh doanh dịch vụ, thu phí đường bộ theo hình thức BOT, thủy điện, đầu tư tài chính.
Hiện vốn điều lệ của Đức Long Gia Lai là 2.993 tỷ đồng, trong đó 2 cổ đông lớn là ông Bùi Pháp sở hữu hơn 74,2 triệu cổ phiếu, tương đương 24,8% và cha con ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 15,9 triệu cổ phần, tương đương 5,32%. Cấu trúc tập đoàn gồm 4 công ty con: Công ty CP BOT Đức Long Đắk Nông, Công cy CP BOT và BT Đức Long Gia Lai, Công ty TNHH Mass Noble Investment và Công CP ĐT&PT Điện năng Đức Long.
Mặc dù vậy, những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Đức Long Gia Lai liên tục sụt giảm, khiến cho lợi nhuận công ty trong xu thế đi xuống, thậm chí còn thua lỗ. Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp có doanh thu bán đạt 266 tỷ đồng và lợi nhuận thuần là 42,5 tỷ đồng, tăng 74,5% so cùng kỳ năm trước. Kết quả, DLG báo lãi 35,5 tỷ đồng, tăng 80,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Giải trình về kết quả này, Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp cho biết do doanh thu bán hàng sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy tại Trung Quốc và Hàn Quốc trực thuộc Công ty con Mass Noble Investments (Mass Noble) tại Hong Kong tăng so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, việc cơ quan nhà nước cho phép tăng mức thu phí tại 4 trạm thu phí, cộng hưởng với tăng trưởng lưu lượng xe qua trạm cũng giúp DLG lãi trong kỳ.
Nếu so sánh với cùng kỳ các năm, Quý I/2024 ghi nhận lãi cao nhất của Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp kể từ năm 2019 (riêng năm 2020, Công ty báo lỗ 47,4 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nếu xét theo kỳ kế toán cuối năm, DLG chỉ báo lãi sau thuế trong năm 2018 và 2021. Các năm còn lại Công ty thường xuyên nhận về kết quả âm. Cụ thể, DLG lỗ 7,4 tỷ đồng vào năm 2019; 929 tỷ đồng năm 2020; 1.197 tỷ đồng vào năm 2022 và tiếp tục báo lỗ 578 tỷ đồng năm 2023.
Kết quả kinh doanh không thuận lợi dẫn đến vốn chủ giảm dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2018, vốn chủ sở hữu của Công ty ở mức 3.482 tỷ đồng và giảm xuống còn 3.430 tỷ đồng vào năm 2019.
Đến năm 2020, con số này còn 2.506 tỷ đồng. Các năm 2021, 2022 vốn chủ sở hữu của DLG giảm xuống còn lần lượt là 2.318 và 1.109 tỷ đồng. Năm 2023, báo cáo tài chính của Công ty ghi nhận vốn chủ sở hữu là 527 tỷ đồng.
Như vậy, giai đoạn 2018 – 2023, vốn chủ sở hữu của DLG đã sụt giảm 2.954 tỷ đồng, tương ứng giảm 84,8%.
Báo cáo tài chính trong Quý I/2024 của Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp ghi nhận tổng cộng nguồn vốn của doanh nghiệp 5.019 tỷ đồng. Trong đó có 4.455 tỷ đồng được tài trợ từ các khoản nợ (2.732 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 1.722 tỷ đồng nợ dài hạn). Trong kỳ, vốn chủ sở hữu của DLG là 564 tỷ đồng, như vậy nợ phải trả gấp 7,89 lần vốn chủ sở hữu.
Tổng cộng nguồn vốn của Công ty cũng giảm từ 8.712 tỷ đồng năm 2018, xuống còn 5.052 tỷ đồng vào năm 2023, tương ứng giảm 42%.
Việc lợi nhuận liên tục sụt giảm, thậm chí thua lỗ khiến Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp rơi vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền, khiến nhiều khoản nợ khó thanh toán. Không chỉ khoản nợ với Lilama 45.3, theo báo cáo tài chính quý 1/2024, Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp còn khoản nợ trái phiếu quá hạn chưa thanh toán là 432 tỷ đồng. Khoản tiền này đã được BCTC kiểm toán cuối năm 2023 ghi nhận. DLG còn nợ trái phiếu đến hạn trả lên tới 432 tỷ đồng, trong đó 360 tỷ đồng thuộc lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm được phát hành từ tháng 12/2014, lãi suất kỳ tính lãi đầu tiên 10%/năm.
Trước đó, vào tháng 4/2024, Công ty này cũng đã gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) xin khất trả khoản nợ gốc và lãi của lô trái phiếu mã 30122017-01 phát hành cuối năm 2017 và phải đáo hạn vào tháng 12/2022 với số tiền gốc và lãi phải trả cho trái chủ số lần lượt hơn 117 tỷ đồng và 80 tỷ đồng trong năm 2023 nhưng đến cuối năm chỉ thanh toán được một phần gốc. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bởi tài sản cá nhân của Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp và bà Nguyễn Thị Hương (vợ ông Pháp) cùng một số tài sản thuộc sở hữu của Công ty. Trái phiếu được lưu ký bởi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID).
Nguồn vốn giảm mạnh khiến Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp phải cơ cấu lại. Như đã nêu trên, tổng nợ ghi nhận trong Quý I/2024 của DLG là 4.455, trong khi vốn chủ sở hữu là 564 tỷ đồng, như vậy 1 đồng vốn đang phải gánh 7,9 đồng nợ.
Trong đó, DLG đang trong lộ trình thoái vốn tại công ty con Mass Noble (chuyên sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử), doanh nghiệp thường xuyên được nêu là nguyên nhân tăng gánh nặng tài chính, kéo lùi sự tăng trưởng của DLG.
Theo đó, năm 2018, 2019, Mass Noble mở rộng thị trường và quy mô sản xuất kinh doanh, từ đó vấn đề tăng nhân công, tiền lương và chi phí nguyên liệu khiến, và trở thành một trong những nguyên nhân làm chi phí quản lý doanh nghiệp của DLG tăng, trong khi không đạt doanh thu kỳ vọng.
Đặc biệt, giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, Mass Noble bị ảnh hưởng nặng nề nhất do có các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Hồng Kông.
Năm 2023 cũng ghi nhận khó khăn từ công ty con của DLG. Theo giải trình của DLG, doanh thu bán sản phẩm linh kiện điện tử của Nhà máy tại Trung Quốc và Hàn Quốc trực thuộc Công ty Mass Noble giảm do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Dù Quý I/2024, doanh thu của các Nhà máy trực thuộc Mass Noble tại Trung Quốc và Hàn Quốc ghi nhận tăng doanh thu so với cùng kỳ năm 2023, nhưng DLG vẫn đi đến quyết định thoái toàn bộ vốn tại Mass Noble Investments.
Cụ thể, ngày 15/7/2024, Tổng Giám đốc DLG Nguyễn Tường Cọt ký công văn số 60/CV-GLD Công bố thông tin bất thường về việc thoái toàn bộ 249 tỷ đồng (97,73%) vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited. Sau khi hoàn tất thủ tục, Mass Noble không còn là công ty con của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Cơ cấu doanh thu của DLG trong kỳ cho thấy hạng mục bán linh kiện điện tử của Mass Noble mang về cho DLG 124 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm hơn 98%, dẫn đến biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 1,8%.
Liên quan đến khả năng trả nợ, Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp đã hai lần bị yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trước đó DLG phát sinh khoản nợ đối với Công ty CP Lilama 45.3.
Theo Bản án phúc thẩm số 03/2023/KDTM-PT ngày 8/2/2023 của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai, Công ty phải trả cho Lilama 45.3 khoản nợ gốc là 14,7 tỷ đồng, và lãi chậm thanh toán là 2,3 tỷ đồng.
Tháng 7/2023, Lilama 45.3 đã có Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10/2023.
Tuy nhiên, DLG đã có Đơn đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và được Tòa xác định Công ty không mất khả năng thanh toán, có thiện chí và cam kết trả nợ cho Lilama 45.3, từ đó ra Quyết định số 03/2023/QĐ-PT ngày 10/11/2023 "Hủy Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10/2023 của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai.
Mới đây ngày 12/7/2024, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai lại có Thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu thủ tục phá sản, theo yêu cầu của Công ty CP Lilama 45.3.
DLG cho rằng lần trả nợ gần nhất, số tiền 350 triệu đồng vào ngày 27/6/2024 (chưa đến 1 tháng) là không vi phạm quy định tại Luật Phá sản 2014. Do đó, DLG đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét lại điều kiện để không thụ lý đơn, và thu hồi Thông báo thụ lý.