Đức chuẩn bị cho việc ngừng nhận hoàn toàn khí đốt của Nga
Hãng tin RT (Nga) đưa tin, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức có thể đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và sẵn sàng đối phó với nguy cơ ngừng nhận hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga.
"Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn... Nhưng chúng ta đã sẵn sàng. Ví dụ, sẵn sàng cho việc Nga cắt phần lớn khí đốt...", ông Scholz nói.
"Chúng ta đã thiết lập các thiết bị đầu cuối ở bờ biển phía bắc của Đức để nhập khẩu khí thiên nhiên được hóa lỏng LNG. Chúng ta đã tiết kiệm khí đốt. Chúng ta đang tái sử dụng năng lực sản xuất của các nhà máy nhiệt điện than. Vào đầu năm tới, nếu cần, chúng ta sẽ có cơ hội sử dụng các nhà máy điện hạt nhân còn lại ở miền Nam nước Đức. Một gói hỗ trợ toàn diện đã được đưa ra để hỗ trợ những người không có khả năng tài chính dễ dàng đối phó với những thách thức như vậy", Thủ tướng Đức nhấn mạnh.
Cuộc khủng hoảng khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã gia tăng kể từ tuần trước nữa, khi Nga ngừng cung cấp khí đốt tới Đức qua đường ống Nord Stream 1 "vô thời hạn". Nguồn cung cấp của Nga vẫn chảy sang EU qua Ukraine, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ so với mức trước xung đột.
Tại Đức, tình trạng thiếu nhiên liệu đã làm dấy lên lo ngại về một làn sóng phá sản tiềm tàng đối với các nhà cung cấp năng lượng. Đầu tuần qua, Giám đốc điều hành công ty nhập khẩu khí đốt Uniper (Đức) Klaus-Dieter Maubach cho hay, nước này có thể phải thực hiện việc phân bổ khí đốt trong suốt mùa đông.
Theo ước tính của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, việc phân bổ năng lượng có thể đồng nghĩa với việc Đức sẽ mất 65% ngành công nghiệp của mình.
Hiện các cơ sở lưu trữ khí đốt quốc gia của Đức đã lấp đầy 85%. Tuy nhiên, Chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng Đức Klaus Mueller nói rằng, thậm chí các kho này được lấp đầy 95% dung lượng lưu trữ thì cũng chỉ đủ cho hai tháng sử dụng trung bình.
Ngân hàng Deutsche cảnh báo suy thoái của Đức là không thể tránh khỏi
Theo CNBC, trong một bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ngân hàng Handelsblatt ở Frankfurt, Giám đốc điều hành của ngân hàng Deutsche Bank (Đức) Christian Sewing cho biết, các chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu bị gián đoạn, cùng với sự đình trệ trong thị trường lao động và sự thiếu hụt khí đốt, điện dẫn đến chi phí tăng vọt, là những lý do chính khiến lạm phát ở khu vực đồng Euro ở mức cao kỷ lục.
"Kết quả là, chúng ta sẽ không còn có thể ngăn chặn suy thoái kinh tế ở Đức. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng nền kinh tế của chúng ta đủ sức chống chịu tốt với cuộc suy thoái này - với điều kiện các ngân hàng trung ương phải hành động nhanh chóng và dứt khoát ngay bây giờ", ông Sewing nói.
Giám đốc ngân hàng Deutsche chỉ ra rằng, hiện tại, nhiều người ở Đức vẫn phải có nguồn tiết kiệm dồi dào để đối phó chi phí năng lượng tăng vọt, trong khi hầu hết các công ty vẫn "đủ tài chính".
Ông nhấn mạnh: "Nhưng lạm phát duy trì ở mức cao càng lâu thì áp lực càng lớn và tiềm ẩn xung đột xã hội càng lớn".