Trong vài tháng gần đây, trợ lý pháp lý Yumekia Jones tại văn phòng Indianola của Trung tâm Tư pháp Mississippi nhận được số cuộc gọi tăng cao bất thường từ những người cần hỗ trợ tài chính ngay lập tức. Mức tăng đột biến được ước tính khoảng 400%.
Hầu hết mọi người đều muốn tránh các khoản vay nóng, tức khoản vay tiền mặt ngắn hạn nhanh chóng mà không cần kiểm tra tín dụng và đi kèm với lãi suất rất cao. Nhưng giá thực phẩm, nhiên liệu và tiền thuê nhà tăng nhanh chóng khiến họ không còn nhiều cơ hội chọn lựa.
Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm và tỷ lệ thất nghiệp chạm mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ. Đối với các nhà kinh tế học, hai tình hình thực tế này gây ra những rắc rối kinh tế đáng kể.
Tuy nhiên, đối với những người cho vay nặng lãi, những ngày sắp tới sẽ là khoảng thời gian đầy phấn khởi.
David Fisher, CEO của công ty cho vay ngắn hạn, dưới chuẩn Enova (ENVA) cho biết: "Tỷ lệ thất nghiệp thấp cộng với lạm phát thường có nghĩa là người tiêu dùng có thể cần đi vay tiền để có thêm vốn xoay xở cho các khoản chi đột xuất và chi tiêu, trong khi tiếp tục kiếm tiền để trả nợ".
Với những gì đang diễn ra, Fisher cho biết công ty của ông dựa vào nhu cầu hiện có, các nỗ lực marketing và chi tiêu nhiều hơn để thu hút khách hàng mới. Điều đó đã mang lại kết quả. Khoảng 44% các khoản vay được cung cấp cho khách hàng mới trong quý vừa qua.
Con số những người đi vay lần đầu gia tăng khi lạm phát tiêu dùng của Mỹ đạt mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ. Người Mỹ phải vật lộn để mua thức ăn và đổ xăng cho xe của mình.
"Cày cuốc" kiếm tiền xăng xe
Giá trung bình toàn nước Mỹ cho 1 gallon xăng ở mức dưới 5 USD, tăng 61% so với năm ngoái. Xăng tăng vọt khi nhiều người lao động trở lại làm việc trực tiếp sau thời gian ở nhà vì đại dịch.
Trong khi đó, mức lương tối thiểu của liên bang vẫn ở mức 7,25 USD/giờ, không thay đổi so với năm 2009. Những người lao động được trả lương thấp sẽ phải làm việc cật lực trong 14 tiếng để đổ đầy bình xăng xe.
Một cuộc khảo sát của LendingClub vào tháng 6 cho thấy, khoảng 2/3 người Mỹ sống với mức lương 3 cọc 3 đồng, chỉ đủ trang trải cuộc sống. Con số này tăng vọt lên 82% ở những người lao động có thu nhập dưới 50.000 USD.
Theo dữ liệu của LendingClub, điểm tín dụng trung bình của những người có thu nhập thấp ở Mỹ cũng đang giảm xuống. Khoảng 40% người Mỹ có thu nhập dưới 50.000 USD và tiền lương không dư dả có điểm tín dụng dưới chuẩn dưới 650. Điều đó khiến họ khó có thể đi vay từ ngân hàng hoặc đủ điều kiện để được tạm ứng. Theo Experian, điểm tín dụng trung bình ở Mỹ là 714.
Song, những người này vẫn có thể dễ dàng tiếp cận một khoản vay đó là vay nặng lãi. Khoản tiền vay nhỏ, thường từ 100-1000 USD, luôn sẵn có tại hơn một nửa các bang nước Mỹ với những quy định lỏng lẻo. Người đi vay chỉ cần chứng minh thu nhập và tài khoản ngân hàng để cầm tiền mặt về.
Alex Horowitz, giám đốc dự án tài chính tiêu dùng của Pew, cho biết dữ liệu theo dõi số lượng các khoản vay nóng hiện tại vẫn chưa được công bố. Nhưng dựa trên các xu hướng trong quá khứ, việc đi vay có thể sẽ gia tăng.
"Dữ liệu khảo sát của chúng tôi cho thấy khoảng 70% những người đi vay nóng chủ yếu sử dụng số tiền cho các chi phí thông thường và để đối phó với các khoản chi phí gia tăng hoặc biến động", Alex Horowitz nói.
Bẫy nợ
Những khoản vay nóng này thường có lãi suất cực cao, nhưng người đi vay thường thiếu hiểu biết về tài chính hoặc không nghĩ ra được những phương án khác để vay tiền.
Hiện tại, luật pháp liên bang không giới hạn về lãi suất tối đa đối với các khoản vay nhỏ. Trong 32 tiểu bang của Mỹ cho phép vay nóng, lãi suất trung bình hàng năm dao động từ 200% ở Minnesota đến 664% ở Texas.
Người đi vay thường không thể trả đủ toàn bộ số tiền đã vay khi đến hạn, thường là trong vòng 2-4 tuần. Điều này dẫn đến việc họ phải trả thêm tiền cho các khoản phát sinh. Như thế, một vòng lặp nợ hình thành và khó có thể phá vỡ. Theo Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng, cứ 4 người đi vay thì có 1 người gánh khoản nợ bổ sung gấp 9 lần hoặc hơn.
Các nghiên cứu cho thấy cộng đồng người da đen và Latinh là đối tượng mà các nhà cho vay nặng lãi nhắm đến. Ở Michigan, nơi có lãi suất vay ngắn hạn trung bình là 370%, khoảng 7,6 địa chỉ vay nóng đáp ứng nhu cầu cho 100.000 người. Trong đó, 1/4 dân số ở đây là người da đen và Latinh.
Các công ty cung cấp khoản vay nóng cho biết họ đưa ra dịch vụ mà các cộng đồng thu nhập thấp cần trong khi các ngân hàng từ chối họ. Họ cho rằng lãi suất cao là điều cần thiết vì rủi ro vỡ nợ cao. Nhưng những người bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói rằng đây là một câu chuyện sai sự thật.
Bảy ngân hàng lớn của Mỹ, bao gồm Bank of America, Wells Fargo và Truist, đã thiết lập các chương trình cung cấp lựa chọn vay vốn nhỏ với lãi suất hàng năm thấp. Horowitz cho biết các ngân hàng dự định xem xét lịch sử giao dịch để xác định ai đủ điều kiện vay chứ không phải điểm tín dụng.
Nadine Chabrier, cố vấn chính sách cấp cao tại Center for Responsible Lending cho biết: "Có 18 tiểu bang và thủ đô Washington, D.C. đã cấm các khoản cho vay nóng và vẫn tồn tại tốt mà không có các gói cho vay cắt cổ. Mọi người có thể sử dụng các lựa chọn vay công bằng, trách nhiệm có lãi suất và phí thấp".
Mua ngay, trả sau
Những người ủng hộ quyền lợi người tiêu dùng cũng lo lắng về các hình thức cho vay mới xuất hiện trong những năm gần dây. Những hình thức này thường ít bị quy định hơn cả hình thức vay nóng.
Các công ty mua ngay, trả sau (Buy now, pay later - BNPL) đã chứng kiến tổng thị phần của họ tăng từ 200% đến 350% trong 2 năm qua. Giờ đây, các công ty như Klarna và Zip đang hợp tác với Chevron và Texaco để cho phép người Mỹ đổ đầy bình xăng ngay lập tức và trả dần trong 6 tuần.
Theo nghiên cứu của Marshall Lux, một nhà nghiên cứu tại Trường Harvard Kennedy, khách hàng của BNPL có xu hướng thuộc thế hệ trẻ như Gen Z và 2/3 số người tham gia là người vay dưới chuẩn.
Những công ty này không tự coi mình là người cho vay. BNPL không phải tín dụng mà là ghi nợ. Các khoản hoàn trả được trừ tự động từ tài khoản ngân hàng của khách mà không tính lãi hoặc phí.
Ở California., 91% các khoản vay tiêu dùng trong năm 2020 là các khoản BNPL. 24% người dễ bị tổn thương bởi các khoản BNPL gặp những thách thức trong việc thanh toán.
Luật không bắt buộc người cho vay BNPL phải xác định khả năng hoàn trả tiền của người đi vay. Không có quy định nào liên quan đến việc tiết lộ phí cho các khoản thanh toán chậm, kích hoạt lại tài khoản hoặc các khoản thanh toán bị từ chối.
Chabrier nói: "Tôi thấy lo ngại khi mọi người đang sử dụng một sản phẩm tài chính như thế này cho các nhu cầu cơ bản của họ". Vị chuyên gia cho rằng khách hàng BNPL có thể mở nhiều tài khoản cùng lúc và họ có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán hết số tiền mình đã tiêu.
Trở lại Mississippi, nơi có tỷ lệ nghèo đói cao nhất cả nước, Jones phải vật lộn để giữ những người gặp nạn thoát khỏi bàn tay của những kẻ cho vay nặng lãi, đồng thời giới thiệu họ tham gia các chương trình nâng cao hiểu biết về tài chính do các ngân hàng địa phương tài trợ.
Nhưng với ngân sách khổng lồ dành cho quảng cáo mà những người cho vay nặng lãi chi ra, rất khó để có thể đối phó với họ.
Nguồn: CNN