Cụ thể, một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết việc từ bỏ sở hữu trí tuệ sẽ dẫn tới những "hậu quả nghiêm trọng" đối với ngành sản xuất vaccine .
Như vậy, Đức đã trở thành một trong những quốc gia phát triển đầu tiên trên thế giới phản đối ý định này, sau khi Mỹ hôm 5/5 tuyên bố ủng hộ điều này.
Một số quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh cũng đã phản đối động thái trên. Trước đó, các quốc gia này cũng đã phản đối cuộc thảo luận về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ tại hội đồng về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một phát ngôn viên của hính phủ liên bang Đức hôm 6/5 khẳng định: "Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của sự đổi mới và phải được duy trì trong tương lai".
Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban EU, phát biểu trong một hội nghị trực tuyến rằng khối này "sẵn sàng thảo luận" về các đề xuất của Mỹ, theo hãng tin DW (Đức).
"Ưu tiên của chúng tôi là tăng cường sản xuất để đạt được mục tiêu tiêm chủng toàn cầu. Đồng thời, chúng tôi cũng sẵn sàng thảo luận về bất kỳ giải pháp hiệu quả nào khác. Trong bối cảnh này, chúng tôi sẵn sàng cân nhắc về khả năng đề xuất của Mỹ có thể giúp đạt được mục tiêu đó ra sao", bà Leyen viết trên Twitter.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đây đã phản đối việc từ bỏ bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19 , nhưng sau khi Mỹ thay đổi lập trường, ông Macron cho biết mình "hoàn toàn ủng hộ" động thái của Washington, theo France24.
Mặc dù vậy. một phát ngôn viên của chính phủ Pháp lại có phần thận trọng hơn khi nói về hiệu quả của việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ. Theo người này, một số vấn đề quan trọng hơn cả là nguyên liệu và năng lực sản xuất vaccine còn hạn chế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình rằng việc tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine chỉ là một phần của vấn đề và không giải quyết được dứt điểm tình trạng thiếu hụt vaccine của thế giới./
(Theo Business Insider)