Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới kéo dài 4 ngày, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân tăng cao, việc đặt phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng trực tuyến trở thành lựa trở thành thói quen phổ biến của nhiều du khách vì tính tiện lợi và nhanh chóng. Hầu hết, các du khách sẽ tìm kiếm thông tin, đặt phòng khách sạn thông qua các đại lí du lịch trực tuyến (OTA - Online Travel Agency) như Agoda, Booking, Airbnb, Trivago, Mytour... bởi các nền tảng này cho phép người dùng so sánh giá cả, đọc đánh giá và đặt phòng chỉ với vài thao tác đơn giản.
Tuy nhiên, gần đây, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng các nền tảng đặt phòng trực tuyến đã làm nhiều người lo ngại. Một sự cố gần đây đã khiến cộng đồng du lịch dậy sóng khi một vị khách bức xúc chia sẻ trên mạng xã hội về việc "Khách sạn có toàn bộ thông tin của khách hàng khi đặt phòng trên app A". Theo vị khách này, thẻ tín dụng của họ, bao gồm cả mã số bảo mật, đã bị tiết lộ cho khách sạn khi đặt phòng qua ứng dụng A. Dù phía đại lý du lịch này chưa lên tiếng đính chính về sự việc này, nhưng nó đã gây ra làn sóng tranh luận mạnh mẽ trên các diễn đàn du lịch.
Trước đó, nhiều du khách cũng đã phản ánh việc thông tin cá nhân của họ bị rò rỉ khi sử dụng một số trang web du lịch khác. Những sự cố này đã làm dấy lên câu hỏi: "Liệu đặt phòng trực tiếp với khách sạn có phải là lựa chọn an toàn hơn?"
Trước tình trạng trên, nhiều du khách đang cân nhắc quay lại phương thức truyền thống là làm việc trực tiếp với khách sạn mình định lưu trú. Phương thức này được xem là an toàn hơn vì thông tin cá nhân của bạn thường chỉ được lưu trữ tại một nơi duy nhất là chính khách sạn bạn ơi. Việc không phải thông qua các bên trung gian như các nền tảng đặt phòng trực tuyến giúp giảm thiểu nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân . Hơn nữa, đặt phòng trực tiếp có thể mang lại cho bạn những ưu đãi đặc biệt hoặc dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, nhờ vào mối quan hệ trực tiếp giữa khách hàng và khách sạn.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, việc đặt phòng trực tiếp cũng có những nhược điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, việc tìm kiếm và so sánh giá cả giữa các khách sạn khác nhau sẽ trở nên khó khăn hơn. Bạn sẽ cần phải dành nhiều thời gian và công sức để liên hệ và kiểm tra từng khách sạn, điều này không hề tiện lợi so với việc sử dụng các nền tảng du lịch, nơi bạn có thể so sánh nhiều lựa chọn cùng lúc. Thứ hai, trong những dịp cao điểm như các kỳ nghỉ lễ lớn, việc không nhanh tay đặt phòng trực tiếp có thể dẫn đến tình trạng hết phòng, đặc biệt là tại những địa điểm du lịch nổi tiếng.
Ngược lại, đặt phòng qua các nền tảng du lịch mang đến sự tiện lợi vượt trội. Với vài thao tác đơn giản, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm, so sánh giá và lựa chọn từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khách sạn khác nhau trên khắp thế giới. Không chỉ vậy, bạn có thể tham khảo những đánh giá, trải nghiệm của người dùng trước để có cái nhìn khách quan hơn về chất lượng dịch vụ của từng khách sạn, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Tuy nhiên, sự tiện lợi này không phải lúc nào cũng đi kèm với sự an toàn tuyệt đối. Những sự cố bảo mật gần đây đã cho thấy rủi ro tiềm ẩn khi đặt phòng qua các đại lí du lịch trực tuyến. Một số nền tảng có thể lưu trữ thông tin thẻ tín dụng và các dữ liệu cá nhân khác mà không có biện pháp bảo mật đủ mạnh, tạo cơ hội cho kẻ xấu tấn công và đánh cắp thông tin.
Không có câu trả lời tuyệt đối cho câu hỏi "Nên lựa chọn phương thức đặt phòng trực tiếp với khách sạn hay qua các đại lý du lịch thì an toàn hơn?". Bởi cả hai phương thức đều có ưu và nhược điểm riêng. Nếu bạn quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân , việc đặt phòng trực tiếp với khách sạn có thể là lựa chọn an toàn hơn. Khi đặt trực tiếp, thông tin của bạn chỉ được lưu trữ tại khách sạn mà không thông qua bên trung gian. Tuy nhiên, trong trường hợp đã thực hiện đặt phòng trực tiếp rồi mà thông tin của bạn vẫn bị rò rỉ, bạn nên:
- Liên hệ ngay với khách sạn để yêu cầu giải quyết.
- Báo cáo với cơ quan chức năng nếu thông tin quan trọng bị rò rỉ.
- Thay đổi mật khẩu và thông tin bảo mật liên quan.
- Liên hệ với ngân hàng để khóa thẻ và kiểm tra giao dịch bất thường.
- Theo dõi tài khoản và giao dịch để phát hiện sớm các hoạt động đáng ngờ.
- Yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại tài chính hoặc tinh thần.
- Đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm để cảnh báo người khác và thúc đẩy khách sạn cải thiện bảo mật.
Ngược lại, nếu bạn đề cao sự tiện lợi và muốn có nhiều lựa chọn hơn, các đại lý du lịch trực tuyến vẫn là công cụ hữu ích. Các nền tảng này cho phép bạn dễ dàng tìm kiếm, so sánh giá và lựa chọn từ hàng ngàn khách sạn khác nhau, đồng thời cung cấp đánh giá từ những người dùng trước để giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt. Tuy nhiên, hãy luôn cẩn trọng với thông tin cá nhân của mình khi sử dụng các OTA đó. Hãy chọn các nền tảng uy tín, đọc kỹ các điều khoản dịch vụ và chính sách bảo mật, và sử dụng các biện pháp bảo mật như xác thực hai yếu tố để bảo vệ thông tin cá nhân của bạn.
Nhìn chung, lựa chọn việc đặt phòng trực tiếp với khách sạn hay qua các đại lý du lịch trung gian tùy thuộc vào mức độ ưu tiên về tính an toàn và tiện lợi của mỗi du khách. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt phòng đặc biệt là trong các đợt cao điểm du lịch để có một chuyến đi trọn vẹn.