Thông điệp tới con người
Virus corona không phải là nạn dịch duy nhất đang hoành hành vùng Đông Phi. Giữa lúc COVID-19 vẫn gây ra nỗi khiếp sợ trên toàn thế giới, người dân ở Đông Phi còn phải đối mặt với một mối đe dọa khác không kém phần nguy hiểm: châu chấu .
Theo Science Alert, từ năm 2019 tới nay, thời tiết thuận lợi đã giúp đàn côn trùng tăng cường sinh sản và tạo ra những "binh đoàn" châu chấu hàng nghìn tỉ con. Với số lượng khổng lồ, châu chấu tấn công và phá hoại những đồng cỏ và các vùng canh tác của người nông dân từ Kenya, Ethiopia, Yemen cho tới các vùng ở miền bắc Ấn Độ.
Trong khi nhiều người lo lắng về nạn đói và thiệt hại kinh tế mà đàn châu chấu gây ra, nhà côn trùng học Dino Martins - hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Mpala tại miền bắc Kenya- lại cho rằng đây là lời cảnh báo rõ ràng từ thiên nhiên.
"Dịch châu chấu rất kinh khủng và nguy hiểm, ẩn sau đó là thông điệp gửi tới con người rằng chúng ta đã thay đổi môi trường quá nhiều," ông nói với Harvard Gazette.
Nạn châu chấu tại Ấn Độ. Ảnh: PTI
Ông Martins liệt kê ra một số biến đổi mà con người đã gây ra với thiên nhiên - bao gồm môi trường suy thoái ở cấp địa phương, khai thác cỏ quá mức, chặt phá rừng, sa mạc hóa - đang tạo ra những điều kiện lí tưởng để châu chấu gia tăng số lượng.
Những đàn châu chấu lớn đầu tiên với số lượng hàng trăm tỉ con đã xuất hiện từ cuối năm ngoái sau một đợt thời tiết ấm và ẩm ướt bất thường. Tới tháng 4, thế hệ châu chấu tiếp theo phủ kín bầu trời với con số khủng khiếp cả nghìn tỉ con. Thế hệ châu chấu thứ 3 có khả năng sẽ bắt đầu "vỗ cánh" trong tháng 7 này với số lượng còn đáng sợ hơn.
"Đứng trong một đàn châu chấu - đặc biệt khi chúng đang di chuyển - là một trải nghiệm không thể tin nổi. Châu chấu có màu hồng khi còn nhỏ và trở thành màu vàng khi trưởng thành. Vậy nên khi chúng bay quanh người, chúng ta sẽ nhìn thấy những đôi cánh hồng xen lẫn màu vàng, ngửi thấy mùi châu chấu cũng như thấy các đàn chim bắt châu chấu ăn," ông nói.
Biện pháp tiêu diệt châu chấu bất đắc dĩ
Hiện tại, châu chấu đang được kiểm soát bởi thuốc trừ sâu rải bằng máy bay trực thăng. Tuy nhiên, biện pháp này rõ ràng sẽ gây ra hậu quả không thể tránh khỏi cho con người và thiên nhiên.
Biến đổi khí hậu đang thay đổi xu hướng thời tiết và đem nhiều mưa hơn cho các vùng bị châu chấu tàn phá.
Rick Overson, hiện đang làm việc tại tổ chức Nghiên cứu về Châu chấu Toàn cầu thuộc Đại học bang Arizona, cho rằng các giải pháp của con người hiện đang "không thấm vào đâu" so với đại dịch châu chấu. Về lâu dài, những giải pháp này sẽ khiến người dân kiệt sức.
"Việc duy trì quỹ, chính sách, mở rộng kiến thức và các công trình liên quan để tiêu diệt châu chấu là điều khó khăn, đặc biệt khi đối phó với các đợt châu chấu có vòng đời bất thường diễn ra trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỉ," ông nói.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FO), tới nay hơn nửa triệu héc-ta đất ở khu vực này đã được phun thuốc trừ sâu để diệt châu chấu, qua đó đảm bảo đủ mùa màng để đáp ứng cho nhu cầu của gần 8 triệu người dân.
Tuy nhiên, việc dùng nhiều thuốc trừ sâu như vậy là điều tồi tệ cho đa dạng sinh học.
Kể cả khi việc tiêu diệt châu chấu là điều cần thiết, thì vẫn có nhiều sinh vật khác không gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho vụ mùa vẫn bị tiêu diệt trong quá trình phun thuốc.
Bill Hansson, một nhà sinh học tại Viện Max Planck (Đức), lo ngại rằng thuốc trừ sâu có thể sẽ tiêu diệt cả những côn trùng quan trọng khác, ví dụ như ong.
Cùng với COVID-19, nạn châu chấu đang hoành hành đang dấy lên hồi chuông báo động đối với đời sống và an ninh lương thực của người dân địa phương.
Trong khi đó, cách nửa vòng trái đất, Argentina cũng đang đối diện với nạn châu chấu nguy hiểm và có nguy cơ lan tới Paraguay, Uruguay và Brazil. Các chuyên gia cho rằng việc này cũng liên quan tới biến đổi khí hậu.