Ngày 9-3, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018. Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Năm 2018 phải tập trung hoàn thiện pháp luật , hoàn thiện cơ chế để tạo môi trường kinh doanh, tạo môi trường thu hút đầu tư, huy động nguồn lực từ kinh tế tư nhân.
Đã cắt được 5.000 thủ tục hành chính
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn ra tinh thần chỉ đạo “không lơ là, chủ quan” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. “Năm 2017, chúng ta cắt giảm được 5.000 TTHC nhưng đó không phải là chuyện đơn giản” - Bộ trưởng Dũng nói.
Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng yêu cầu: “Không thể giảm số lượng TTHC theo kiểu “biến tướng” ba thành một. Tức là gộp ba TTHC thành một rồi nói là đã giảm được hai TTHC. Cũng không được biến tướng các TTHC thành những câu chữ không lượng hóa được.
Theo đó, phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn nếu không thì không ra được vấn đề. Không dùng kiểu nói “đảm bảo tốt, đảm bảo đẹp, đảm bảo sạch… để tạo ra kẽ hở cho cán bộ thi hành công vụ”.
Lấy Nghị định 15/2018 về an toàn thực phẩm làm ví dụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lý giải vì sao nghị định này lại cắt giảm được tới 90% TTHC đã quy định tại Nghị định 38/2012.
“Ví dụ cơ quan hải quan đã kiểm tra xác suất 5% rất nghiêm túc, theo phương pháp quản lý rủi ro, hậu kiểm, đánh giá việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (DN) rồi thì số lượng thực phẩm còn lại không phải kiểm tra nữa, không cần làm thủ tục ở các bộ, ngành liên quan khác. Cắt là cắt chỗ đó. Vừa rồi chúng ta làm rất quyết liệt như vậy” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Năm 2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói Chính phủ sẽ tập trung vào cải cách TTHC để giảm chi phí cho DN, nhất là trong lĩnh vực logistics.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết năm 2017 đã cắt giảm được 5.000 TTHC.
Doanh nghiệp: Còn mất nhiều thời gian, chi phí vì thủ tục
Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng còn nhiều TTHC, điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mang tính chất “bẫy” DN mà không có tác dụng nâng cao trách nhiệm của DN và chất lượng sản phẩm.
Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam, tiếp tục nêu những kiến nghị cải cách các TTHC về lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường. Bởi theo ông Nam, nếu không tiếp tục cải cách TTHC hoặc cắt giảm ĐKKD trong các lĩnh vực này thì chi phí DN sẽ tăng lên, dẫn đến nguồn lực của DN bị bào mòn, không góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Việt Nam, thì cho rằng: Mỗi một TTHC được ban hành thì DN tốn nhiều thời gian và chi phí tuân thủ. Mặt khác, cũng có những quy định nếu áp dụng cứng nhắc sẽ phương hại tới lợi ích của DN và gián tiếp là việc làm của người lao động.
“Chẳng hạn có những DN nộp thuế hàng ngàn tỉ nhưng số sai phạm thì chỉ vài chục triệu. Sờ đâu cũng thấy. Nếu cứ sai phạm thế mà khởi tố thì rất bất cập” - ông Quân nêu và đề nghị xem xét lại TTHC thuế.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, thì cho rằng còn nhiều quy định khiến DN mất thời gian, chi phí. Chẳng hạn “DN chuyển vay tín dụng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác thì phải chuyển thế chấp. Nhưng DN lại phải qua địa chính, chờ mất nhiều ngày, rồi phải mất chi phí mới được địa chính đóng dấu. Các nước giải quyết chuyện này rất đơn giản. Nếu hai bên có hợp đồng mua bán có chứng nhận thì chỉ cần ghi mã số vào là xong. Nếu làm được như vậy thì đỡ cho DN hàng ngàn tỉ đồng” - ông Thân nói và đề nghị nghiên cứu cải cách TTHC trong lĩnh vực này.
"Được mùa" nhưng khởi sự kinh doanh còn "đội sổ"
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
Nói về kết quả cải cách TTHC trong năm 2017, ông Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã dùng từ "được mùa" với sự đóng góp trực tiếp của hội đồng và Tổ công tác của Thủ tướng.
Dẫn ra các trường hợp Bộ Công Thương cắt giảm 675 ĐKKD, Bộ Y tế chấp nhận cắt giảm 90% thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, ông Lộc coi đây là những điển hình của cải cách TTHC. Bên cạnh đó, các bộ, ngành khác cũng đang trong quá trình rà soát để thực hiện cắt giảm 30%-35% TTHC.
Tuy vậy, ông Lộc cho rằng: Bên cạnh những điểm tích cực mà các tổ chức quốc tế cũng công nhận thì môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn những tiêu chí rất thấp như chỉ số về khởi sự kinh doanh, thủ tục phá sản…
"Khởi sự kinh doanh là một chỉ số đặc biệt quan trọng, quyết định tới mục tiêu một triệu DN vào năm 2020 nhưng đáng tiếc, đây lại là chỉ số "đội sổ" của chúng ta. Cần phải có những cải cách để tiếp tục thúc đẩy, cải tạo môi trường kinh doanh" - ông Lộc nói.