Trong thời gian qua, nhiều công ty bất động sản kinh doanh èo uột nhưng giá cổ phiếu vẫn được đẩy lên rất cao.
Những phiên gần đây, cổ phiếu (CP) bất động sản (BĐS) nằm sàn la liệt đã khiến nhiều nhà đầu tư cháy tài khoản, thua lỗ nặng nề.
Tan giấc mơ “đếm cua trong lỗ”
Trong hai phiên giao dịch ngày 28 và 29-3, CP FLC liên tục nằm sàn, giảm gần hết biên độ 7% giá trị cho phép. Đáng chú ý, liên tiếp hai phiên này, các nhà đầu tư bán tháo hàng chục triệu CP FLC nhưng rất ít người mua. Vì vậy, giá CP này rớt mạnh chỉ còn 12.650 đồng, trong khi vào ngày 7-1 đạt đỉnh 22.550 đồng.
Tương tự, CP của ông lớn BĐS chuyên về nhà ở xã hội là Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng lao dốc trong những phiên gần đây khi công ty đột ngột hủy đại hội cổ đông thường niên với lý do ban tổ chức và ban lãnh đạo nhiễm COVID-19. Đặc biệt, Hoàng Quân đang vướng vào các tranh cãi với nhóm cổ đông đang nắm hơn 47 triệu CP tại công ty này.
Thị trường bất động sản tại nhiều nơi vẫn được giao dịch nhộn nhịp và tác động đến thị trường chứng khoán. Ảnh: PM |
Đáng chú ý, chỉ mới giữa năm ngoái, CP CII của Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã tăng ngoạn mục đến gần bốn lần. Cụ thể, CP này từ mức giá 15.700 đồng ngày 19-7-2021 chạy một lèo lên đến 57.900 đồng vào ngày 7-1-2022.
Bị ảnh hưởng dây chuyền Trên thị trường có cả đầu tư và đầu cơ. Đầu cơ cũng không phải là quá xấu vì tạo thanh khoản cho thị trường. Nhưng đầu cơ thái quá và trở thành xu hướng chính dẫn dắt thị trường sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Hệ quả là khi thị trường đảo chiều giảm điểm mạnh, mọi CP xấu lẫn tốt cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải |
Mức tăng trưởng liên tục của CII nhờ vào sự kiện cuối tháng 12-2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thắng đấu giá lô đất Thủ Thiêm với mức giá được trả kỷ lục 1 tỉ USD. Trong khi đó, CII có sở hữu nhiều dự án tại Thủ Thiêm nên ngay lập tức được hưởng lợi.
Thế nhưng đến phiên ngày 29-3, giá CP CII rớt chỉ còn 32.350 đồng. Việc rớt giá liên quan đến việc Tân Hoàng Minh và một công ty khác thắng đấu giá đất ở Thủ Thiêm bỏ cọc, cũng như sức ảnh hưởng của thị trường xung quanh sự kiện FLC.
Ngoài ra, hàng loạt CP BĐS khác như NBB cũng mất hơn 6% giá trị; CII, DIG, CEO giảm hơn 5%; QCG, ITA, SCR, TNI… giảm hơn 4% chỉ tính riêng trong phiên 28-3 do ảnh hưởng thông tin từ FLC.
Bị thổi giá lên quá cao
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư chứng khoán SSI (SSI Research), nhận xét rằng có thời điểm các nhà đầu tư đã kỳ vọng quá nhiều vào sự kiện một công ty trả giá BĐS cao bất thường. Họ đã định giá trị CP dựa trên giao dịch bất thường này chứ không phải giao dịch của cơ chế thị trường. Do đó đã đẩy giá CP BĐS lên quá cao so với giá trị thực.
“Như vụ Tân Hoàng Minh trả giá mảnh đất 1 tỉ USD ở Thủ Thiêm, tính ra 2,4 tỉ đồng/m2. Giả định giá giao dịch bình thường trước đó là 400 triệu đồng thì có nghĩa giá trị đất đã tăng đến sáu lần. Do đó nhà đầu tư cũng cho rằng giá CP cũng sẽ tăng tương tự. Và việc tính giá CP theo cách “đếm cua trong lỗ” như vậy là rất rủi ro khi đầu tư chứng khoán” - ông Hưng phân tích.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cũng nhìn nhận thị trường BĐS tại nhiều nơi vẫn được giao dịch một cách sôi động bất chấp dịch bệnh. Các cơn sốt đất cũng xuất hiện nhiều nơi đã đẩy giá đất tăng lên từng ngày. Sức ảnh hưởng của nó cũng tác động đến thị trường chứng khoán.
Tuy vậy, trong thời gian qua, nhiều công ty BĐS kinh doanh èo uột, không nhiều dự án BĐS triển khai nhưng giá CP vẫn bị đẩy lên cao. Giá trị CP BĐS tăng vừa qua có phần do sức ảnh hưởng của đội lái thổi giá. Hơn nữa, vì tâm lý sợ bỏ mất cơ hội kiếm tiền, các nhà đầu tư ồ ạt đổ dòng tiền vào các CP BĐS đã đẩy giá tăng bằng lần.
Chẳng hạn CP LDG tăng hơn năm lần, từ mức 5.700 đồng vào giữa năm 2021 leo lên 27.300 đồng vào đầu tháng 1-2022. Nhưng đến phiên 29-3, giá CP LDG chỉ còn 21.850 đồng/CP.
Đừng chơi tất tay
Ông Lã Giang Trung, Giám đốc điều hành Passion Investment, nhận xét khi sóng CP BĐS tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư đã chơi tất tay với CP này. Thay vì đầu tư theo một danh mục để tránh bỏ trứng vào một giỏ, có bao nhiêu tiền nhà đầu tư ném hết vào một CP với kỳ vọng kiếm nhanh số tiền lớn.
Thực tế việc mua CP của công ty kinh doanh không tăng trưởng, thậm chí thua lỗ với kỳ vọng mang lại lợi nhuận cho tài khoản, đến một lúc nào đó cuộc vui cũng tàn. Đặc biệt khi thị trường đảo chiều, giá CP giảm từng ngày đã gây ra sự hoảng loạn tháo chạy của nhà đầu tư vì đang bị cháy tài khoản.
“Khi mất tiền, cảm xúc thường tăng mạnh, nếu không đủ can đảm cắt lỗ toàn bộ thì cũng phải cắt lỗ 50% danh mục để tỉnh táo suy nghĩ lại. Nhà đầu tư cần quan sát hoạt động kinh doanh và cả giá CP, một khi giá CP bắt đầu đi ngược với kỳ vọng thì cần hành động nhanh chóng. Và chỉ khi chắc thắng 100% mới nên chơi tất tay” - ông Trung khuyến nghị.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải khuyến cáo rằng để tìm được CP BĐS tốt, nhà đầu tư nên xem xét kỹ các dự án BĐS, hiệu quả kinh doanh của công ty đó. Chẳng hạn, công ty đó có khả năng triển khai dự án, bán hàng thực tế và hiệu quả hay không.
“Nếu một công ty BĐS tuyên bố đưa ra một dự án rất mơ hồ, dự án đang bồi thường, năng lực triển khai dự án không có, năng lực bán hàng không biết… thì đầu tư vào CP các công ty này sẽ rất rủi ro” - ông Hải nhấn mạnh.
Nhiều cổ phiếu xanh trở lại Ngày 28-3, chỉ số VN-Index giảm 15,32 điểm, xuống còn 1.483 điểm do những tin đồn xuất hiện trên thị trường. Nhưng đến phiên giao dịch ngày 29-3, thị trường chứng khoán “lội ngược dòng”, lấy lại sắc xanh. Các CP ở các nhóm chứng khoán, ngân hàng, thép... giao dịch tích cực khi hầu hết các mã tăng điểm. Chính lực cầu bắt đáy đã hỗ trợ cho thị trường đi lên. Riêng CP FLC vẫn trong tình trạng dư bán với nguồn cung đến hơn 93 triệu CP nhưng mua vào chỉ không đầy 13.500 CP. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29-3, với mức tăng 14,58 điểm, VN-Index đã leo lên mốc 1.497,76 điểm. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)