Theo ghi nhận của Tiền Phong, cơn “sốt đất” ở tỉnh Đắk Lắk tiếp tục lan rộng từ thành phố Buôn Ma Thuột cho đến các huyện, thị xã. Nhiều người ví von: Ra đường đã gặp môi giới bất động sản, người người nhà nhà mua đất, buôn đất. Một trong những địa phương có thị trường bất động sản sôi động trong thời gian qua là huyện Cư M'gar. Huyện này giáp ranh với TP. Buôn Ma Thuột, hệ thống giao thông được đầu tư bài bản, đặc biệt nơi đây có nhiều “view” đẹp như gần ruộng, hồ, ao, đồi cây... được giới đầu tư săn lùng.
Anh N.T.H (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) - người chuyên săn các lô đất có vị trí đẹp (gần mặt ruộng hoặc có ao, suối) và mua từ 1 sào đất trở lên để bán lại cho các khách hàng từ nơi khác đến hoặc các công ty bất động sản. Theo anh H., nhu cầu săn “view” mới diễn ra mạnh trong thời gian gần đây và giá đất cũng tăng nhanh theo từng ngày, thậm chí từng giờ.
Để có được những lô đất đẹp, dễ bán, anh H., phải đi nhiều nơi để tìm và mua được giá “mềm”. Để tránh rủi ro, tranh chấp đất đai, anh H., thường mua những lô đất có nguồn gốc rõ ràng, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dễ sang nhượng.
Những vị trí có "view" gần ruộng, ao, hồ... được săn lùng trong thời gian gần đây
Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê, huyện Cư M’gar cho hay, việc “sốt đất” trên địa bàn đã có từ năm 2019. Giá đất tăng cao nên người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng bán đi mua chỗ rẻ hơn sinh sống, chia đất sản xuất cho con.
Đất đai đã thuộc quyền sử dụng của người dân nên địa phương không can thiệp vào việc mua bán. Chính quyền chỉ tuyên truyền cho người dân hiểu các quy định về đất đai, hạn chế mua bán sang nhượng để giữ nguồn đất canh tác.
Hiện, giá đất nông nghiệp tại địa phương khá cao, nơi thấp nhất dao động từ 700-800 triệu đồng/sào. Với khu đất phù hợp quy hoạch nhà ở hay những nơi có vị trí đẹp giá dao động từ 1-2 tỷ đồng/sào. Những người mua “view” đất gần ruộng, ao, hồ..., chủ yếu ở TP. Buôn Ma Thuột và nơi khác đến.
“Có trường hợp dựng chòi, nhà tạm ở khu vực “view” đất đẹp, chúng tôi cho người kiểm tra, lập biên bản, hướng dẫn làm thủ tục đầy đủ trước khi xây dựng. Việc xử lý những trường hợp này khá rắc rối, họ thường tự nhận cháu của “cây tùng, cây bách” song chúng tôi yêu cầu chấp hành đúng quy định pháp luật”, ông Hoan chia sẻ.
"Sốt đất" diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk |
Xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) cũng là một trong những địa phương “sốt đất” mạnh trong thời gian qua. Nhiều trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp đã bị chính quyền xử phạt yêu cầu tháo dỡ. Lãnh đạo xã này thừa nhận việc quản lý đất đai gặp khó khăn khi địa bàn rộng, cán bộ phụ trách nhiều phần việc. Xã này đang huy động nhiều lực lượng, tổ chức đợt cao điểm kiểm tra tình hình xây dựng trên địa bàn để xử lý, dẹp “loạn” xây dựng các công trình trái phép.
Để tăng cường công tác quản lý về trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã yêu cầu các địa phương vào cuộc quyết liệt. Người đứng đầu chính quyền địa phương, cán bộ công chức được giao nhiệm vụ phải nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp...