Hiệp định CPTPP đã được chính thức ký kết vào hôm 8/3 tại Chile (rạng sáng 9/3 theo giờ Việt Nam). Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng bậc nhất, gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại châu Á – Thái bình Dương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lan nhanh trên toàn cầu.
Tuy vậy, việc dỡ bỏ các rào cản, trong đó có toàn bộ hàng rào thuế với tất cả hàng hoá về 0% theo lộ trình khiến cơ hội cũng trở thành thách thức. Đặc biệt là với Việt Nam, một nước được đánh giá là có độ mở thị trường rất cao nhưng lại là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất trong 11 nước tham gia CPTPP. Điều này làm dấy lên quan ngại sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ dần mất đi khả năng cạnh tranh, trở thành thị trường tiêu thụ cho các nước.
Trả lời vấn đề này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Đa biên (Bộ Công thương) cho biết đấy là những suy nghĩ, lo ngại của các thập niên từ 1970 – 1990: khi mở cửa thị trường thì các nước có trình độ phát triển thấp không cạnh tranh được, thiệt thòi so với các nước phát triển; người được hưởng lợi là các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có sự thay đổi quan điểm mạnh mẽ. Điều này càng được khẳng định đặc biệt hơn sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra ở Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
"Không phải tự nhiên mà một số nước phát triển có xu hướng mở cửa trước đây nay bảo hộ mậu dịch. Họ lo ngại sự trỗi dậy của nhiều nền kinh tế đang phát triển dựa vào cơ hội từ việc hội nhập", ông Thái bình luận.
Mexico – thành viên của NAFTA là một ví dụ tiêu biểu. Nước này vốn không có ngành công nghiệp ô tô nhưng sau khi hội nhập và tận dụng tốt thời cơ, đến nay, Mexico trở thành một trong những nước có ngành ô tô lớn nhất thế giới. Dù không có một nhãn ô tô riêng nhưng số lượng công ăn, việc làm, tăng trưởng do ngành công nghiệp này mang lại là rất lớn. Chính vì vậy, đã có nhiều ý kiến đòi đàm phán lại quy tắc này tại NAFTA.
"Nếu chúng ta chỉ dựa vào thị trường trong nước với quy mô rất nhỏ thì cơ hội sẽ rất thấp", ông Thái nhấn mạnh.
Theo ông, để phát triển trong điều kiện hiện nay, nhiều nước đã xác định phải bước được một chân vào chuỗi giá trị của khu vực toàn cầu, từ đó mới di được từng bước lên mức có giá trị gia tăng cao.
Vụ trưởng Vụ Đa biên cho biết phần lớn các nước chỉ nhìn vào thị trường trong nước đều không thành công. "Tất nhiên vẫn còn sự tranh cãi về quan điểm, thực tế ở các nước cũng khác nhau, nhưng kinh nghiệm cho thấy nếu hội nhập thành công thì phát triển sẽ hơn là dựng lên hàng rào", ông Lương Hoàng Thái nhận xét.
Theo ước tính, Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và có thị trường lên đến 500 triệu dân, tổng kim ngạch thương mại vượt 10 nghìn tỷ USD. Hiệp định được dự kiến triển khai từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.
CPTPP được đánh giá là mang lại lợi ích rất lớn cho các nền kinh tế thành viên tham gia. Bởi lẽ đây là một FTA thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, lộ trình cắt giảm thuế nhanh và sâu.