Một vấn đề được các chuyên gia hết sức quan tâm, đó là nhu cầu mua vàng để tích trữ, đầu tư của người dân khá cao. Điều này có ảnh hưởng gì tới mục tiêu chống "vàng hóa" nền kinh tế của Chính phủ?
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong hơn 10 năm qua, với công cụ là Nghị định 24/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Việt Nam đã thành công trong mục tiêu chống "vàng hóa" nền kinh tế. Cụ thể là các tổ chức tín dụng không còn huy động, cho vay vàng, không có các giao dịch qua các sàn vàng, vàng không còn là phương tiện trao đổi, định giá...
Dù vậy, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có lẽ phải xem xét khái niệm "vàng hóa" ở một góc độ rộng hơn khi chứng kiến nhiều người dân mua để tích trữ, đầu tư vàng vật chất. "Ở Việt Nam vàng vẫn luôn luôn là một cái gì đó chưa xóa được trong văn hóa của mình, chính vì vậy đã tạo ra những biến động rất lớn", ông Hiếu nói.
GS.TS. Trần Thọ Đạt - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá: So với các quốc gia khác ở châu Á, thu nhập bình quân của Việt Nam xếp thuộc nhóm thấp. Tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ vàng trên đầu người lại ở ngưỡng trung bình (số liệu của WGC năm 2022 tiêu dùng vàng bình quân đầu người của Việt Nam là 1,2 gram). Như vậy, mặc dù đã giảm so với những năm trước nhưng mức độ "ưa thích giữ vàng" ở Việt Nam vẫn còn khá cao khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực.
Trong khi đó, xu hướng chung ở các nước là nhu cầu về vàng miếng và tiền vàng đều giảm dần qua các năm so với quy mô nền kinh tế. Tuy nhiên, khi so sánh với hai quốc gia có nhu cầu về vàng đứng đầu của thế giới, tỷ lệ tiêu thụ vàng miếng và tiền vàng so với GDP ở Việt Nam lại cao hơn hẳn, gấp 2 lần Ấn Độ và gấp 10 lần Trung Quốc. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ vàng bình quân của Việt Nam xấp xỉ Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng khi xét riêng về vàng miếng thì tiêu thụ của Việt Nam lại nhỉnh hơn.
Để thay đổi thói quen, tập tục truyền thống từ lâu đời trong việc tích trữ vàng của người dân là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục chống "vàng hóa" nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết.
TS.Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng: Vàng là một kênh đầu tư truyền thống của người dân bên cạnh các kênh truyền thống khác như bất động sản, gửi tiết kiệm... Bởi vậy, để người dân giảm đầu tư vào vàng, biến vàng thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp căn cơ là Nhà nước cần khuyến khích phát triển các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu..., bên cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô như thời gian qua.
GS.TS. Trần Thọ Đạt nhận định, trong bối cảnh nhiều biến động, vàng có thể là kênh trú ẩn an toàn nhưng nếu chọn vàng là kênh đầu tư thì có nhiều rủi ro.
"Nếu người dân không đầu tư vào các kênh khác để sản xuất kinh doanh mà tiếp tục đẩy mạnh mua vàng thì nguồn lực này sẽ nằm im trong dân, không có lợi cho nền kinh tế. Về lâu dài, Chính phủ cũng cần có giải pháp làm cho các kênh đầu tư tài sản, tài chính khác trở nên hấp dẫn hơn để người dân có các lựa chọn thay thế, giảm tập trung vào vàng", ông Đạt nói.
Cùng với đó là công cụ thuế cũng có thể được tính đến như là một giải pháp hữu hiệu. "Tất nhiên, Nhà nước vẫn có thể áp dụng những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ quá mức đối với vàng miếng SJC như đánh thuế đối với các giao dịch vàng miếng"- TS. Nguyễn Đức Độ nói.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Thị Mùi cũng cho rằng: Làm sao để mức thuế đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thứ nhất là bình đẳng giữa các kênh đầu tư; thứ hai là tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, không bị các yếu tố đầu cơ chi phối; thứ ba trong bối cảnh hiện nay, nhập khẩu vàng để sản xuất ra vàng trang sức hoặc là in dập ra vàng lá, vàng khối để bán kiếm lời.
"Rõ ràng trong trường hợp này phải có một chính sách thuế hợp lý để tạo điều kiện có đủ cung cũng như đáp ứng nhu cầu của người đầu tư hoặc của người tiêu dùng trên cơ sở đó thị trường vàng Việt Nam mới phát triển ổn định được", TS. Nguyễn Thị Mùi chia sẻ.