Ngày 20-9, ông Nguyễn Văn Nhựt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) liên quan đến sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh này đều dừng lại để chờ Thông tư hướng dẫn của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT.
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa, hiện Bộ Tài chính cũng ban hành Văn bản số 3515/BTC-QLCS về xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có nội dung "tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi dự thảo Nghị định quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT có hiệu lực thi hành".
Theo dự thảo nghị định này thì sẽ không còn chuyện chỉ định thầu nhà đầu tư thực hiện các dự án BT đổi đất lấy công trình và giao đất với giá "bèo" cho nhà đầu tư như một số dự án BT lùm xùm ở Khánh Hòa mà Báo Người Lao Động đã phản ánh.
Dự án BT Trường Chính trị Khánh Hòa “đổi” khu đất vàng ở trung tâm TP Nha Trang không đủ tiền hoàn thiện trường mới ở xã Phước Đồng
Thanh tra Chính phủ đang kiểm tra 35 dự án tại tỉnh Khánh Hòa, trong đó có nhiều dự án BT. Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa - cho rằng trong giai đoạn trước đây, nhiều dự án BT bị lên án vì giá quy đổi "quá bèo", khiến nhà nước bị thiệt khi những khu "đất vàng" được tính với giá "nhà nước", doanh nghiệp đầu tư bán lại với giá theo diện tích sàn xây dựng gấp 5-6 lần.
Tỉnh Phú Yên ngày 23-8 cũng ban hành Công văn số 4796/UBND-ĐTXD yêu cầu tạm dừng xem xét và quyết định tất cả dự án có sử dụng quỹ đất công để thanh toán đối ứng cho nhà đầu tư theo hình thức BT. Ông Võ Minh Đông - Phó Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (thuộc Sở KH-ĐT Phú Yên) - cho rằng rất may tỉnh Phú Yên chưa có dự án đầu tư theo hình thức BT, lấy đất đổi công trình nên việc tạm dừng này không ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, ở một số nước, hình thức BT bằng tài sản công, cụ thể là đất đai, được nhà nước kiểm soát rất chặt. Những công trình đổi bằng hình thức BT đều có quy mô, thiết kế hiện đại, thậm chí trở thành biểu tượng. Giá trị quy đổi giữa công trình và tài sản công có giá trị tương đương. "Việc hoàn thiện khung pháp lý là điều hết sức cần thiết vì việc áp dụng hình thức này còn nhiều bất cập. Điển hình là một số dự án BT ở Khánh Hòa, sau khi ký hợp đồng BT thì số tiền từ BT còn không đủ xây dựng công trình mới, lại phải ký thêm hợp đồng BT khác. Các dự án không bảo đảm tiêu chí thì cần phải truy thu để tránh thiệt hại cho nhà nước" - ông Lộc đề xuất.
Theo ông Lộc, các dự án BT bằng tài sản công cần được đấu giá công khai. Các công trình phải hoàn thành xong thì mới giao đất để tránh tình trạng các nhà đầu tư không đủ năng lực tham gia, gây ảnh hưởng tiến độ dự án.
BT phải ngang giá!
Theo điều 3 của dự thảo Nghị định quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT thì việc chuyển đổi được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị tài sản công thanh toán; giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Việc lựa chọn nhà đầu tư cũng được thực hiện theo Luật Đấu thầu.