EVN dừng huy động trên cơ sở pháp lý nào?
Sau rất nhiều cuộc họp tìm giải pháp liên quan đến việc mua điện đối với 172,12MW của nhà máy điện mặt trời 450MW Trung Nam tại Ninh Thuận, đến nay vẫn chưa có kết quả trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã dừng huy động phần công suất chưa có giá này từ ngày 1-9 vừa qua.
Liên quan đến quyết định dừng huy động công suất này, EVN vừa có lý giải các cơ sở để ngưng huy động. Theo EVN, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo với nội dung "EVN huy động phát điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam trên cơ sở hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký và theo các quy định của pháp luật".
EVN lý giải việc dừng huy động phần công suất chưa có giá của nhà máy điện mặt trời 450MW căn cứ văn bản số 12158 (năm 2016) của Bộ Công Thương, trong đó có nội dung: Từ năm 2017, nếu các nhà máy không có hợp đồng mua bán điện hoặc có hợp đồng mua bán điện nhưng giá điện đã hết hiệu lực, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị liên quan không huy động các nhà máy điện này phát điện lên lưới điện quốc gia trừ trường hợp cần thiết huy động để đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Bên cạnh đó, điều 4 thông tư số 13 (năm 2017) của Bộ Công Thương quy định: "EVN không thực hiện việc tạm thanh toán hoặc thanh toán tiền điện cho nhà máy điện khi vận hành, phát điện lên lưới mà không ký kết chính thức hợp đồng mua bán điện. Trong trường hợp phải huy động các nhà máy này do yêu cầu đảm bảo an ninh cung cấp điện, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, phối hợp với đơn vị phát điện thực hiện việc huy động, vận hành và thanh toán tiền điện cho nhà máy điện".
EVN cho rằng với các căn cứ trên, việc dừng huy động phần công suất 172,12MW chưa có cơ chế giá của Trung Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý.
Trung Nam: Tuân thủ các quy định và hợp đồng đã ký
Phản hồi các nội dung trên, sáng 25-10, phía Trung Nam cho rằng phần công suất 172,12MW này đã được huy động từ tháng 10-2020 đến tháng 9-2022 và Bộ Công Thương chưa có chỉ đạo nào ngưng khai thác. Đại diện Trung Nam cho hay cơ sở pháp lý và cơ sở pháp luật của dự án này đảm bảo việc huy động công suất từ năm 2020 đến 31-8-2022 là đúng quy định pháp luật.
Theo Trung Nam, nhà máy điện mặt trời 450MW kết hợp truyền tải 500kV là nhà máy được xây dựng có điều kiện.
Trong đó, quyết định chủ trương đầu tư số 79 của UBND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ điều kiện khi thực hiện dự án, chủ đầu tư chịu trách nhiệm bồi thường chi phí cho EVN trong trường hợp không đảm bảo tiến độ hạ tầng truyền tải đúng cam kết, chi phí phải trả căn cứ theo quy định mua bán điện với chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (1 triệu USD/ngày). Nội dung này cũng được nêu trong hợp đồng mua bán điện giữa EVN và Trung Nam.
Lấy dẫn chứng từ hợp đồng mua bán điện, Trung Nam cho hay khi đi vào vận hành từ tháng 10-2020, phần công suất 172,12MW của dự án được xét theo khoản 5, điều 4 với nội dung : "Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1, nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương về việc một phần nhà máy điện, hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại khoản 3, điều 5, quyết định 13, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. Tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương".
Trong thông báo kết luận mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ đạo "Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm kiến nghị của Trung Nam về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy 450MW đảm bảo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực…".
"Việc EVN huy động toàn bộ nhà máy 450MW trong đó có phần công suất 172,12MW là tuân thủ theo pháp luật liên quan và theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa hai bên. Nhà đầu tư không đề nghị EVN thanh toán đối với phần công suất này mà sản lượng huy động sẽ được ghi nhận và chờ thanh toán sau khi xác định giá", đại diện Trung Nam nói.