Đó là chia sẻ của ông Lê Vĩnh Sơn tại toạ đàm "Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai" diễn ra chiều 12/3 tại nhà máy Sơn Hà - Khu công nghiệp Thuận Thành II, Bắc Ninh.
Tại toạ đàm, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sơn Hà, Đại sứ Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2019 cũng đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, đã được áp dụng trong hệ thống của Sơn Hà.
Cụ thể, Sơn Hà đã áp dụng các phương pháp để giảm tiêu hao năng lượng điện của các nhà máy. Những máy móc công suất rất lớn, thiết bị sử dụng điện nhiều đã dần được "thay máu" bằng những thiết bị tiết kiệm điện năng.
"Với nhà máy Sơn Hà tại Bắc Ninh, ban đầu chi phí điện khoảng gần 500 triệu đồng/tháng, đến nay chỉ còn khoảng hơn 300 triệu đồng/tháng. Chi phí giảm thiểu khoảng 30%", ông Sơn nói.
Ông Sơn bày tỏ tham vọng "người dẫn đầu" trong cuộc chơi năng lượng sạch với một hệ sinh thái xanh. Các dự án hợp tác với các tập đoàn lớn của quốc tế của Sơn Hà như hợp tác với Pháp để xây dựng cánh đồng năng lượng mặt trời SoLaFarm tại miền Trung; hợp tác với tập đoàn WEGEN của Đức để đưa ra sản phẩm pin mặt trời lắp đặt trên hàng triệu mái nhà... đang dần được triển khai, ứng dụng vào thực tế.
Chẳng hạn, với khoản đầu tư 10 triệu đồng, mỗi ngày các tấm pin năng lượng có thể sản xuất ra 2kW. Những hộ có điều kiện kinh tế, với mức đầu tư 40 triệu đồng, mỗi ngày "mái nhà" sẽ cho khoảng 5kw. Theo tính toán từ bộ phận kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Đức, với 40 triệu đồng đó, trong 5 năm người dân có thể thu hồi vốn, trong khi tuổi thọ của thiết bị mà WEGEN cung cấp lên đến 25 năm.
Đặc biệt, nếu như công suất dư thừa người dân có thể bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hiện các cơ quan ban ngành đang làm hành lang chính sách cho việc mua ngược điện mặt trời cho người dân.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) bày tỏ lo lắng về mức độ báo động cường độ năng lượng tại Việt Nam so với thế giới. Kinh tế của Việt Nam đứng thứ 47 nhưng phát thải nhà kính lại đứng thứ 27 trên thế giới. Thống kê năng lượng nhiều năm cho thấy cường độ năng lượng tại Việt Nam ở mức rất cao, cao hơn cả Trung Quốc, cao hơn 30% so với Thái Lan và 60% so với Malaysia.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải tiết kiệm năng lượng. Ông cho biết, năng lượng điện tiêu thụ trong khu công nghiệp sản xuất chiếm tỉ trọng 47% trong bức tranh tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
Ông Vũ nhấn mạnh, Việt Nam muốn trở thành nền kinh tế xanh, bền vững, phải bắt đầu từ mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp. Cần nhận thức rõ làm cách nào xây dựng hình ảnh của mình là một doanh nghiệp xanh để hội nhập, để sản phẩm được chấp nhận ở các thị trường khó tính trên toàn cầu. Khi phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, bản thân doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.
Phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng thay thế khác đang là một trong những trọng tâm của chiến lược an ninh năng lượng của các quốc gia. Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang dần cạn kiệt và gây ra những hệ lụy về biến đổi khí hậu.
Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện mặt trời, gió, điện sinh học. Với những tiềm năng này, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển mạnh năng lượng tái tạo, giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng này hiện chưa được ứng dụng rộng rãi, chiếm tỷ trọng rất nhỏ dưới 1% tổng công suất của hệ thống điện Quốc gia.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung Tâm Phát triển Năng lượng tái tạo, cho biết, sức ép từ việc cạn kiệt các nguồn nguyên liệu hóa thạch như than, dầu,... đã mở ra cơ hội phát triển cho ngành năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông nhận định, nguồn năng lượng tái tạo có đặc điểm quan trọng là không phụ thuộc vào dao động của giá, và nó là nguồn cung ứng vô tận, khác với dạng năng lượng hóa thạch có thể được khai thác hết trong vài chục đến vài trăm năm tới.