Có bao giờ bạn tự hỏi rốt cuộc mình làm việc vì điều gì chưa? Vì đam mê hay đơn giản là vì tiền lương? Ai cũng muốn cuối tháng nhận thật nhiều tiền nhưng có bao nhiêu người là thực sự hứng thú, nhiệt huyết với công việc mình làm.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu có một công thức làm việc nhẹ nhàng mà lại không cảm thấy nhàm chán? Hay nói một cách khác là bạn làm việc nhưng lại không cảm thấy nặng nề, mệt mỏi mà ngược lại lúc nào cũng tràn trề hưng phấn, thành quả mang lại cũng tích cực không kém.
Công thức đó là gì, làm thế nào để áp dụng? Hãy cùng khám phá kinh nghiệm và những bài học từ ba doanh nhân nổi tiếng khắp thế giới ngay sau đây để tạm biệt những nỗi lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi khi làm việc.
Mark Zuckerberg: Hãy hành động từ những nhiệm vụ đơn giản nhất
Đối với một người bình thường, làm việc giống như một thứ gì đó lớn lao và nặng nhọc cứ như một cuộc chạy đua marathon đầy cam go hay cuộc hành trình leo lên đỉnh Everest đầy gian khó. Hầu hết doanh nghiệp cũng như các nhân viên thường dành hàng tuần để chuẩn bị cho một nhiệm vụ đơn giản. Rồi khi đến lúc thực hiện, họ chỉ hoàn thành 30% quá trình, 70% còn lại đã chôn vùi trong sự chuẩn bị và trì hoãn.
Đó chính là một điểm yếu kiềm hãm sự phát triển của rất nhiều doanh nghiệp. Ngược lại, Mark Zuckerberg không bao giờ làm như vậy. Nhà sáng lập trẻ, cha đẻ của ứng dụng mạng xã hội khổng lồ Facebook có một công thức đơn giản của riêng mình để hoàn thành mọi việc một cách nhẹ nhàng mà không cảm thấy gánh nặng.
Anh luôn bắt đầu bằng những công việc dễ nhất, hạn chế bắt tay ngay vào việc với những nhiệm vụ khó khăn. "Tôi nghĩ rằng một quy tắc đơn giản của kinh doanh là nếu bạn làm những việc dễ dàng trước thì sau đó bạn sẽ cảm thấy mình tiến bộ nhanh hơn". Đây là một triết lý thông minh của một ngôi sao của thung lũng Silicon.
Nếu bạn bắt đầu với các dự án đơn giản, bạn sẽ dễ dàng hoàn thành nó và rồi bạn cảm thấy mình thành công. Cứ như thế, lần lượt hoàn thành từng công việc một sẽ khiến bạn không còn cảm giác nặng nề, ràng buộc bởi công việc như lúc trước nữa.
Sean Lourdes: Hãy hào phóng
Kiếm nhiều tiền hơn nữa dường như là mục tiêu đầu tiên của hầu hết những người làm nghề kinh doanh. Nhưng theo Sean Lourdes thì đó là một điều không nên bởi vì "Nếu bạn quá ám ảnh với sự giàu có, kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, bán tất cả hàng tồn kho của mình thì điều đó sẽ chỉ làm cho việc kinh doanh trở nên nhàm chán, nặng nề và tẻ nhạt", người sáng lập quỹ Lourdes cho biết.
Cách tốt nhất để làm cho sự nghiệp kinh doanh trở nên vui vẻ và thú vị hơn chính là hãy hào phóng và cho đi nhiều hơn. Đấu tranh để làm việc chăm chỉ và kiếm nhiều tiền hơn nhưng đừng để tiền trở thành mục tiêu cuối cùng của bạn. Hào phóng sẽ gây được cảm tình hơn với mọi người xung quanh, cho đi nhiều hơn thì cũng sẽ đến lúc bạn nhận lại nhiều hơn, đó chính là quy luật của cuộc sống.
Robin Sharma: Xem công việc của bạn như một nghề thủ công
Có không ít lần bạn đến các khách sạn hay nhà hàng thậm chí là sang trọng nhưng lễ tân hầu như không thèm ngẩng đầu lên nhìn khách khi họ có yêu cầu. Vậy tại sao mọi người lại chọn làm trong ngành dịch vụ trong khi rõ ràng họ chẳng thể nở nổi một nụ cười với mọi người?
Nếu bạn không phù hợp với một ngành nghề nào đó mà cứ khăng khăng giữ lấy vị trí này thì chắc chắn rằng bạn sẽ không thể tìm thấ sự hứng thú, vui vẻ trong công việc mà ngược lại nó còn khiến bạn trở thành "kẻ thù" của tất cả mọi người.
Sự thật là ngày nay hầu hết mọi người đều làm trong những ngành, những nơi, những công việc mà họ không mấy thích thú đôi khi là chán ghét. Nói một cách khác, họ xem đây là công việc bắt buộc chứ không phải là một việc thủ công mà mình phải khai thác một cách say mê để làm hài lòng khách hàng. Robin Sharma từng nói rằng "Một công việc sẽ chỉ là một công việc nếu như bạn xem nó là một công việc".
Quả đúng là như vậy, nếu bạn tự xem công việc của mình chỉ đơn giản là một công việc thì tất nhiên sẽ không thể tìm thấy giá trị, ý nghĩa và chút đam mê nào trong từng việc mà bạn làm. Hệ quả tất yếu là bạn sẽ không thể truyền tải hết được những giá trị hoàn hảo đến cho khách hàng của mình cuối cùng là bạn mệt mỏi, sếp cũng mệt mỏi và cả những người xung quanh bạn cũng thấy chán nản và liên lụy.
Thay vào đó, "Hãy xem công việc của bạn như một cơ hội để thực hành nghề nghiệp của mình"- Robin Sharma nói "Điều đó sẽ thúc đẩy bạn yêu nghề hơn và tạo ra những sản phẩm kỳ diệu hơn."