Thị trường chứng khoán đang có biến động khá mạnh trong những phiên gần đây. Bên cạnh yếu tố tâm lý thận trọng từ các chính sách vĩ mô, nhiều nhà đầu tư đang bị tác động không nhỏ từ các tin đồn trên các diễn đàn trên mạng xã hội.
Nhận định về những diễn biến của thị trường, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng sự sụt giảm của thị trường chỉ trong ngắn hạn, nhìn về dài hạn vẫn còn nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ.
Đưa ra dẫn chứng, ông Tuấn cho biết thời điểm năm 2021 – năm thăng hoa thị trường cũng từng chứng kiến hai mốc sụt giảm mạnh đến hàng trăm điểm vào tháng 1 và tháng 7, song thực tế cho thấy thị trường đều hồi phục và bứt phá mạnh mẽ. Dù vậy, không thể phủ nhận sức mạnh của dòng tiền rẻ đã hỗ trợ cho đà tăng trưởng trong năm qua.
Theo chuyên gia, lãi suất huy động của các nhà băng, lãi suất trái phiếu đang từ từ nhích lên. Thời của dòng tiền rẻ qua đi sẽ khiến việc đầu tư chứng khoán không còn dễ dàng dù xu hướng chung của thị trường vẫn tích cực trong dài hạn.
"Tuy sự phân hoá sẽ diễn ra mạnh mẽ, song cơ hội vẫn còn đối với những doanh nghiệp có yếu tố cơ bản, kết quả kinh doanh quý 1 tốt. Những nhịp điều chỉnh hiện tại là cơ hội mở ra cho những nhà đầu tư đang có sẵn nguồn tiền, song cần hiểu rõ giá trị của cổ phiếu chuẩn bị xuống tiền", vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Ông Hoàng Công Tuấn cho rằng, câu chuyện đầu tư năm 2022 khác xa so với năm trước. Trong thời điểm nay, nhà đầu tư nên quan tâm thành tích riêng của doanh nghiệp đang nắm giữ chứ đừng nhìn thành tích chung của thị trường. Đồng thời, quan sát kỹ chuyển dịch của dòng tiền tới những nhóm cổ phiếu.
Bàn về những tác động của việc siết mạnh việc cho vay bất động sản đến cổ phiếu bất động sản, Kinh tế trưởng MBS cho rằng đây là một cơ hội tốt để nhà đầu tư sàng lọc những doanh nghiệp bất động sản thực sự có giá trị. Theo chuyên gia, những doanh nghiệp có quỹ đất sạch, nhiều dự án có kế hoạch triển khai, mở bán rõ ràng và dòng tiền tốt sẽ không bị ảnh hưởng, vẫn có quyền huy động trái phiếu trên thị trường. Ngược lại, những doanh nghiệp bất động sản vay nợ quá lớn, khả năng triển khai dự án kém sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Cũng nhìn nhận về thị trường, ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS cũng đồng tình quan điểm nhà đầu tư thường chỉ nhìn chỉ số chung của thị trường thay vì chuyển động từng cổ phiếu. Tuy nhiên, dù thị trường giảm nhưng một số cổ phiếu riêng lẻ và vài mã trụ vẫn tăng. Nhìn dưới góc độ kỹ thuật, ông Hưng cho rằng độ rộng thị trường vẫn khá tích cực.
Hàng loạt nhóm ngành vẫn giao dịch tích cực với nhiều mã vượt đỉnh, một số mã tiệm cận định. Sở dĩ nhiều nhóm ngành được hỗ trợ bởi đà tăng của thị trường hàng hoá như thuỷ sản, dệt may, bán lẻ.
"Mức độ phân hóa diễn ra rõ nét, dòng tiền hướng về nhóm xuất khẩu nhiều hơn là dịch vụ tài chính (ngân hàng, chứng khoán). Đặc biệt dòng tiền hướng về những nhóm cổ phiếu lớn càng được định hình rõ nét, đặc biệt là những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt. Nhìn vào chuyển động trên, tôi dự báo một số nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu như thuỷ sản, dệt may, cao su tự nhiên vẫn giữ được đà tăng tích cực. Bên cạnh đó, nhóm ngành bảo hiểm cũng có thể tiếp tục thu hút được dòng tiền lớn", ông Ngô Quốc Hưng cho biết.
Trong một chia sẻ mới đây, Quỹ đầu tư SGI Capital cũng duy trì quan điểm về một kịch bản thị trường phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng khi các rủi ro chung đang cao và dòng tiền rẻ không còn. Trường phái giao dịch ngắn hạn sẽ rất khó kiếm tiền trong môi trường này nếu không làm đúng cả hai việc là lựa chọn đúng cổ phiếu và đúng thời điểm mua bán mới có thể có lãi. Dự đoán thị trường ngắn hạn chưa bao giờ dễ và càng trở nên khó hơn trong giai đoạn nhiều biến động này.
SGI cho rằng trọng tâm của thị trường tài chính quý 1 và quý 2 sẽ là những kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp tận dụng sự hồi phục của kinh tế Việt Nam và mở cửa của thế giới. Từ đây tới mùa Đại hội cổ đông, các thông tin về kế hoạch kinh doanh 2022 của các doanh nghiệp sẽ là tâm điểm chú ý của dòng tiền.