Tuần mới từ 4/6 đến 8/6/2018 thị trường chứng khoán sẽ đón nhận 3 mã chứng khoán với gần 1,2 tỷ cổ phiếu mới lên sàn. Trong số đó, chắc hẳn nhà đầu tư trông chờ nhất là hơn 1,16 tỷ cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam. Bên cạnh đó với việc định giá 23.500 đồng/cổ phiếu ngày chào sàn, cổ phiếu DVW của CTCP Dịch vụ và Xây dựng Cấp nước Đồng Nai cũng sẽ nhận được nhiều sự chú ý trong tuần tới.
Techcombank lên sàn
Ngày 4/6 tới đây toàn bộ 1.165.530.720 cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP kỹ thương Việt Nam sẽ lên giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 128.000 đồng/cổ phiếu.
Với mức giá này, vốn hóa ngày lên sàn của Techcombank rơi vào khoảng 149.000 tỷ đồng, cao thứ 2 trong số các ngân hàng đã niêm yết, xếp sau Vietcombank hiện có vốn hóa khoảng 187.000 tỷ đồng.
Teckcombank thành lập tháng 9/1993 với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Đến nay sau nhiều lần tăng vốn, hiện VĐL công ty đã tăng lên trên 11.655 tỷ đồng, trong đó lần gần đây nhất công ty tiến hàng tăng vốn là năm 2017.
Tính đến 11/5/2018 thì Tập đoàn Masan là cổ đông lớn duy nhất của Techcombank, sở hữu 14,99% vốn điều lệ công ty. Với mức giá chào sàn 128.000 đồng, khối tài sản Masan sở hữu tại Techcombank lên đến khoảng 22.360 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của Techcombank ngày lên sàn.
Đáng chú ý, Techcombank lên sàn giúp thị trường chứng khoán có thêm ít nhất 7 người giàu sở hữu nghìn tỷ, trong đó gia đình Chủ tịch Hồ Hùng Anh đóng góp đến 5 cái tên là ông Hồ Hùng Anh, vợ ông – bà Nguyện Thị Thanh Thủy, mẹ ông – bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, con ông – ông Hồ Anh Minh và em dâu ông – bà Nguyễn Hương Liên. Tổng giá trị số cổ phiếu TCB mà gia đình ông Hồ Hùng Anh sở hữu lên đến khoảng 25.400 tỷ đồng.
Về phía gia đình Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Sơn, chỉ 1 người, vợ ông Nguyễn Cảnh Sơn, bà Nguyễn Phương Hoa, góp mặt vào danh sách tỷ phú nghìn tỷ với giá trị số cổ phiếu 3.241 tỷ đồng. Một cái tên khác góp mặt vào danh sách tỷ phú nghìn tỷ khi Techcombank lên sàn là ông Nguyễn Thiều Quang với giá trị số cổ phiếu sở hữu lên đến 1.291 tỷ đồng.
Xét về tương quan với các ngân hàng đang niêm yết, tổng tài sản năm 2017 Techcombank đạt gần 270.000 tỷ đồng, đứng thứ 6 trong nhóm các ngân hàng tư nhân đã niêm yết sau Sacombank, MBbank, SHB, ACB và VPBank. Nếu so với các ngân hàng lớn nhất hệ thống thì tài sản của Techcombank chỉ bằng chưa đến 1/3 so với Vietcombank và VietinBank và chưa bằng 1/4 so với của BIDV.
Xét về vốn chủ sở hữu, hết năm 2017 Techcombank đứng thứ 6 trong số các ngân hàng đã niêm yết sau MBbank, VPBank và tất nhiên là cả BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Tuy nhiên về mức định giá cổ phiếu, hiện TCB đang được định giá ở mức 128.000 đồng/cổ phiếu – cao vượt trội so với giá giao dịch hiện nay của các ngân hàng khác.
Cấp nước Đồng Nai chào sàn với giá tham chiếu 23.500 đồng/cổ phiếu
Trong giai đoạn các doanh nghiệp ngành nước đang lũ lượt lên sàn, ngày 6/6 tới đây CTCP Dịch vụ và xây dựng Cấp nước Đồng Nai cũng sẽ đưa 1.675.000 cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom với mã chứng khoán DVW. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 23.500 đồng/cổ phiếu.
Thành lập từ tháng 9/2007 với vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng, đến nay công ty đã 5 lần tăng vốn điều lệ lên 16,75 tỷ đồng. Trong đó lần gần đây nhất công ty tiến hành tăng vốn là tháng 1/2013.
Sản lượng sản xuất nước sạch các năm gần đây xấp xỉ 4,3 triệu m3, doanh thu năm 2017 đạt gần 113 tỷ đồng tăng nhẹ so với gần 107,3 tỷ đồng đạt được năm trước đó. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 10,43 tỷ đồng, giảm hơn 28% so với cùng kỳ.
Cấp nước Đồng Nai được định giá cao có lẽ nhờ hệ thống đất đai mà doanh nghiệp đang quản lý với gần 10.000 m2. Trong đó có 250,5m2 đất là trụ sở chính công ty. Ngoài ra, Nhà máy nước Hóa An có diện tích gần 6.917m2, Trạm bơm nước thô Hóa An gần 848m2, Đài nước Hóa An rộng gần 713m2, Đài nước xã Tân Hạnh rộng gần 612m2.
Năm 2017 Cấp nước Đồng Nai đặt mục tiêu đạt 81,7 tỷ đồng doanh thu, giảm 27,6% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế ước đạt 6,4 tỷ đồng, giảm mạnh 38,6% so với cùng kỳ. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 20%.
Thủy điện sông Ba Hạ chào sàn Upcom với giá tham chiếu 22.000 đồng/cp
Sở GDCK Hà Nội cũng đã chấp thuận cho CTCP Thủy điện sông Ba Hạ được đăng ký giao dịch 124.225.000 cổ phiếu trên Upcom với mã chứng khoán SBH. Ngày giao dịch đầu tiên 7/6/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 22.000 đồng/cổ phiếu.
CTCP Thủy điện sông Ba Hạ được thành lập năm 2007 với 3 cổ đông sáng lập là Tập đoàn điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực 2 và Công ty Điện lực 3 với vốn điều lệ đăng ký 1.280 tỷ đồng. Tuy nhiên đến 31/12/2014 công ty điều chỉnh đăng ký vốn điều lệ bằng với tổng vốn thực góp của công ty 1.242,25 tỷ đồng. Công ty thành lập nhằm quản lý vận hành và khai thác Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ.
Hiện tại cơ cấu cổ đông công ty khá cô đặc khi 3 cổ đông lớn chiếm 94,75% vốn điều lệ, bao gồm Tổng công ty phát điện 2, CTCP Cơ điện lạnh REE và Tổng công ty Điện lực Miền Nam.
Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ chính thức đi vào hoạt động và hòa vào lưới điện quốc gia tháng 11/2009. Doanh thu năm 2016 gần 727 tỷ đồng, sang năm 2017 tăng 58% lên 1.150 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt hơn 671 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 125,5% so với năm trước đó. Nguyên nhân lợi nhuận năm 2017 tăng trưởng mạnh do thời tiết thuận lợi, lưu lượng nước về hồ luôn ở mức cao.
Điện tử Vinacap cũng lên sàn Upcom
Trong tuần tới, ngày 5/6/2018 CTCP Viễn thông điện từ Vinacap cũng sẽ đưa 15,6 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom với mã chứng khoán VTE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.000 đồng/cổ phiếu.
Điện tử Vinacap tiền thân là Công ty liên doanh cáp Vinadeasung thành lập tháng 11/1992 do Tập đoàn Bưu chính Việt Nam liên doanh với Hãng Deasung Hàn Quốc thành lập với vai trò sản xuất cáp thông tin sợi đồng phục vụ quá trình số hóa mạng lưới.
Sau nhiều lần thay đổi, đến nay công ty hoạt động trong mảng thiết bị, vật tư viễn thông CNTT như Simcard, thiết bị nguồn, acqui, USB, 3G, modem, thiết bị, cáp viễn thông, dây và cáp điện… với vốn điều lệ 16 tỷ đồng. Lần gần nhất công ty tiến hàng tăng vốn từ năm 2012.
Tính đến 11/4/2018 Điện tử Vinacap có 3 cổ đông lớn trong đó Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông sở hữu 32% vốn; CTCP Thương mại Phương Trung sở hữu 27,08% vốn và ông Phạm Trung Kiên sở hữu 10,27% vốn.
Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần năm 2017 đạt gần 600 tỷ đồng, giảm sút 26,5% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt chưa đến 5 tỷ đồng, giảm mạnh gần 60% so với cùng kỳ nhưng cũng giúp công ty xóa hết lỗ lũy kế, còn "dương" được gần 2,8 tỷ đồng. Nguyên nhân chính lý giải cho kết quả kinh doanh giảm sút năm 2017 do Công ty và Tập đoàn VNPT chưa triển khai hết gói thầu đã ký từ đầu năm, thêm vào đó mảng kinh doanh điện thoại di động bị cắt giảm.
Tính riêng quý 1/2018 vừa qua doanh thu thuần công ty đạt gần 92 tỷ đồng và báo lỗ hơn 4,7 tỷ đồng.