Bắc Ninh là một trong những tỉnh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá tốt trong tình hình dịch bệnh. Tổng sản phẩm cấp tỉnh (GRDP) quý 1 năm 2020 của Bắc Ninh vẫn tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng trưởng của toàn quốc (GDP quý I năm nay của Việt Nam ước đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước). Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh đạt 8,24 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách đạt 9.168 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán cả năm.
Tỉnh Bắc Ninh có khoảng 10.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch; trong đó, số lao động phải ngừng việc là trên 8.000 người, số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.521 trường hợp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp mới đi vào hoạt động vẫn có nhu cầu tuyển khoảng 7.000-8.000 lao động. Vì vậy, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, vấn đề việc làm cho người lao động sẽ cơ bản được giải quyết trong thời gian tới.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ người lao động trong thời gian qua, Bắc Ninh đang khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 (biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19). Đối với doanh nghiệp, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh tiến hành khoanh nợ thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước. Là tỉnh có nhiều doanh nghiệp nước ngoài (trong đó có nhà máy Samsung Việt Nam), Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép nhập cảnh, gia hạn visa, cấp giấy phép lao động cho trên 1.000 chuyên gia của các doanh nghiệp FDI.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Hương Giang cho biết: “Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025, trong đó sẽ dành hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh”. Bà Giang cũng cho hay, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh tạm dừng thanh tra, kiểm tra đối với tất cả các doanh nghiệp, trừ các trường hợp đặc biệt.
Tại Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, dịch COVID - 19 tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Theo ông Thái, tỉnh Bắc Giang đang tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất và đẩy mạnh giải phóng mặt bằng khu, cụm công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới khi dịch được kiểm soát tốt.
Đối với việc xuất khẩu vải thiều, ông Thái cho hay, Sở Công Thương của tỉnh đã làm việc với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khai thác thị trường trong nước và xây dựng kịch bản tiêu thụ sản phẩm, tránh bị động. Diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm nay đạt hơn 28.100 ha, sản lượng dự kiến khoảng 160.000 tấn; trong đó, vải chín sớm sản lượng khoảng 45.000 tấn, vải thiều chính vụ khoảng 115.000 tấn. Vải sớm thu hoạch từ ngày 20/5 đến ngày 5/6, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6.
Ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã kiểm tra tình hình sản xuất quả vải, và các phương án tiêu thụ vải thiều trong thời gian tới. Bắc Giang đã tính toán 3 kịch bản tiêu thụ, trong đó, phương án xấu nhất không xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc do dịch COVID-19.
Nam Khánh
"Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025, trong đó sẽ dành hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh".
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang