Sau vụ việc một khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng bị ngân hàng đòi 8,8 tỷ đồng sau 11 năm, nhiều người dùng đã bày tỏ sự lo ngại khi sử dụng thẻ tín dụng, hoặc hạn chế mở hay sử dụng phương thức thanh toán này.
Ví dụ như khi PV Dân Việt trao đổi với anh Đạt - nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân - Hà Nội, anh chia sẻ rằng: "Mình luôn có sẵn 2 thẻ tín dụng trong ví nhưng sau vụ việc lùm xùm vừa rồi, mình cũng lo ngại về vấn đề lãi mẹ đẻ lãi con mà không lường trước được nên mình đã gọi lên phía Ngân hàng và yêu cầu đóng thẻ ngay lập tức".
Không chỉ có anh Đạt, nhiều khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng cho biết, lâu nay thường xuyên dùng thẻ tín dụng vì có rất nhiều ưu điểm như có ưu đãi % cho người dùng, được miễn lãi 45 ngày, nhưng qua sự việc này khiến nhiều người giật mình gọi điện đến các ngân hàng đang cung cấp dịch vụ kiểm tra lại số thẻ đang dùng.
Ở chiều ngược lại, khi phỏng vấn anh Long - nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân - Hà Nội, anh lại đã điềm tĩnh khi được hỏi về thẻ tín dụng của anh. Anh cho biết: "Thẻ tín dụng là con dao 2 lưỡi, nhưng khi mình cầm vào chuôi thì sẽ chẳng sợ đứt tay. Mình luôn hoạch địch riêng về tài chính cá nhân mình, kiểm soát rõ ràng và chặt chẽ vì nếu chỉ nói về những rủi ro không đáng có thì thẻ tín dụng cũng mang về nhiều lợi ích đến với mình, thẻ tín dụng cũng có thể là vũ khí tối thượng trong tài chính cá nhân".
Theo thống kê, tính đến cuối tháng 7/2023, tại Việt Nam có hơn 9,3 triệu thẻ tín dụng đang lưu hành. Ước tính con số này thì cứ 4 người trưởng thành sử dụng thẻ ngân hàng thì sẽ có 1 người sử dụng ít nhất 1 thẻ tín dụng. Tỷ lệ người trưởng thành có thẻ tín dụng rơi vào ngưỡng 25-26%.
Khi trao đổi với PV Dân Việt, anh Long chia sẻ rằng: "khi sử dụng thẻ tín dụng, mình được hưởng tiền cash back khi mua hàng online, được ưu đãi nhiều khi mua đồ công nghệ, được sử dụng hạng thương gia khi đi công tác, được hưởng các resot 5 sao nghỉ dưỡng mà gần như chẳng mất thêm chi phí nào..."
Trên thị trường hiện nay, không ít những Ngân hàng có đưa ra những ưu đãi riêng cho thẻ tín dụng nhưng sau vụ việc trên, một số người dùng rất hoang mang về việc sử dụng thẻ để tránh việc Ngân hàng "hút máu" qua lãi.
Theo TS. Đỗ Thị Thu Hà - Phó trưởng Khoa Ngân hàng - Học viện Ngân hàng, để sử dụng thẻ tín dụng an toàn thì việc hiểu rõ hạn mức của thẻ tín dụng và khả năng thanh toán nợ là rất quan trọng để tránh rơi vào tình trạng nợ nần không kiểm soát được. Khi nhận được thẻ tín dụng, bạn cần xác định rõ hạn mức tín dụng của mình và không nên vượt quá giới hạn này khi sử dụng thẻ.
Tính toán khả năng trả nợ cũng là một yếu tố then chốt. Người dùng cần phải xem xét tổng thu nhập của mình và lập kế hoạch chi tiêu một cách có trách nhiệm, không nên mua hàng hoặc thực hiện các giao dịch mà họ không có khả năng trả nợ đầy đủ.
Một tỷ lệ an toàn phổ biến được khuyến khích là không chi tiêu quá 50% thu nhập hàng tháng cho các khoản nợ, bao gồm cả nợ thẻ tín dụng. Nếu tỷ lệ này lên cao hơn, rủi ro về nợ nần sẽ tăng lên, vì nó có thể gây áp lực tài chính không cần thiết và làm giảm khả năng tiết kiệm và đầu tư vào tương lai.
Bên cạnh đó, bà còn lưu ý thêm: "cả thẻ tín dụng và các tài khoản ngân hàng đều đi kèm với nhiều chi phí hàng năm và yêu cầu hoạt động cụ thể, tùy thuộc vào điều khoản trong hợp đồng. Việc làm rõ điều này khi kết thúc hợp đồng rất quan trọng, để mọi bên tham gia đều có trách nhiệm tài chính đầy đủ và hiểu biết sâu sắc về điều khoản đã thỏa thuận".
Sau vụ nợ thẻ từ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ tại Eximbank, hàng loạt chủ thẻ, trong đó có chủ thẻ của Eximbank, đã phản ứng mạnh khi những tài khoản đã lâu khách hàng không sử dụng vẫn bị ngân hàng âm thầm trừ phí. Đáng nói là không chỉ trừ hết số tiền mà khách hàng có trong tài khoản mà ngân hàng còn trừ âm phí.
Ngoài vấn đề rủi ro xôn xao dư luận trên thì thẻ tín dụng còn dễ gây ra “ảo tưởng chi tiêu”: Vì tính tiện lợi và nhanh chóng khi thanh toán, chủ thẻ không quản lý tốt tài chính có thể tiêu xài quá trớn, dẫn đến không thể trả được khoản nợ đúng kỳ hạn, bị tính lãi và cộng dồn lên, ngày càng khó trả.