Chợ Nhện nằm ở thị trấn Skun, phía Bắc thủ đô Phnôm Pênh, là một trong những điểm dừng chân không thể thiếu trong chuyến hành trình du lịch tới đất nước chùa tháp. Nhìn thoáng qua, du khách sẽ thấy chợ côn trùng ở Campuchia cũng khá giống các ngôi chợ quê của Việt Nam. Tổng diện tích chợ khoảng 5.000m², lòng chợ được làm bằng bê tông kiên cố.
Côn trùng được bày bán la liệt ở chợ Skun. Ảnh: NT
Nằm ngay phía chính diện chợ là những sạp bán côn trùng như gián, rết, dế, nhện… Hai bên hông chợ được chia thành những gian hàng bày bán trái cây. Có khoảng 50 người bán côn trùng ở chợ Nhện. Trong đó chỉ số ít có sạp buôn bán đàng hoàng, còn phần lớn là người buôn gánh bán bưng. Hầu hết dân bán đều là người bản xứ.
Ông Thạch Thim, người bán nhện sống tại chợ Nhện nói tiếng Việt bập bẹ, quảng cáo: “Nhện xào hoặc chiên với tỏi ăn rất ngon. Thịt nhện gần như thịt cá mà không có mùi tanh”. Vừa nói ông vừa bốc con nhện cho vào miệng nhai ngon lành khiến không ít người phải nhăn mặt quay sang chỗ khác.
Việc ăn côn trùng ở Đông Nam Á không phải là cái gì mới. Nhưng ở một nước mà côn trùng đôi khi được gọi là thức ăn chống đói trong nạn đói do Khmer Đỏ gây ra cuối thập niên 1970 thì côn trùng ngày nay được coi như nguồn rẻ và phong phú về protein, acid amin và chất vi lượng, đặc biệt cho trẻ em (chiếm 79%) Campuchia ít nhiều bị thiếu dinh dưỡng.
Chỉ số ít những người bán hàng có sạp cố định, còn đa phần là bán bưng như thế này. Ảnh: NT
Côn trùng ở đây được rang, chiên tẩm xả ớt hoặc chiên vàng, bày trong những chiếc mâm nhôm. Thoạt nhìn cũng hơi ơn ớn, vì màu sắc của chúng chẳng mấy bắt mắt và hầu hết còn nguyên lông lá, đầu, chân. Ghê nhất là mâm nhện và cà cuống, bởi vẻ bề ngoài đen sì và hình dáng của chúng.
Đa số du khách đều tò mò ngắm nghía hoặc nếm thử côn trùng. Ảnh: NT
Người bán mời chào khá tận tình bằng những câu tiếng Việt lơ lớ, chúng tôi cũng mua thưởng thức gọi là cho biết hương vị. Côn trùng được bán, 50.000 đồng/lạng. Cà cuống giá đắt nhất, khoảng 10.000 đồng/con. Tuy nhiên, cà cuống bán ở chợ hầu hết chỉ còn xác, túi hương đã được người bán lấy đi để bán làm việc khác. Thực khách có thể nếm hoặc ăn thử trước khi mua không phải trả tiền. Nếu cảm thấy mình không ăn được món ấy, thực khách có thể bỏ đi trước nụ cười vui vẻ của người bán.
Dế chiên là một trong những món dễ ăn nhất. Ảnh: NT
Trong khi đó nhện là món ăn thử thách nhất với phần đông du khách. Ảnh: NT
Kathi, hướng dẫn viên du lịch người bản địa bật mí với chúng tôi cách nông dân ở đây bẫy côn trùng, cô cho hay: “Ở các ruộng nông thôn của Campuchia, cào cào, châu chấu, cà cuống, dế cơm… rất nhiều. Ban đêm, người ta thắp đèn giăng bẫy để bắt côn trùng. Dụng cụ bẫy côn trùng khá đơn giản, gồm 1 tấm ni-lon màu trắng dài chừng 3m, bên dưới đặt một máng nước, phía trên treo một bóng đèn nê-ông màu tím, họ không dùng đèn ánh sáng trắng vì sợ dụ rắn tới”.
Sau khi mặt trời lặn, các nhà bật đèn sáng, côn trùng trên các cánh đồng cỏ dại bu vào rồi rớt xuống máng nước, cứ thế người ta dùng vợt bắt dế mang đi bán. Với cách làm này, bình quân mỗi đêm 3m bạt ni-lon có thể thu 3-5kg côn trùng, nhiều nhất vẫn là dế. Với giá bán bình quân tương đương 12.000-17.000đ/kg dế, tùy thời điểm, nếu đầu tư 10m bạt ni-lon, mỗi hộ có thể thu về trên 200.000đ/đêm, tương đương 7-8 triệu đồng/tháng. Vì vậy với người dân đất nước Chùa Tháp, đây chính là con đường kiếm thêm thu nhập rất đáng kể.
Cà cuống có giá 10.000 đồng/con, nhưng chỉ còn phần xác, phần "hồn" là tinh dầu đã bị rút cạn. Ảnh: NT
Không chỉ là món ăn, côn trùng còn là sản phẩm du lịch độc đáo của đất nước chùa tháp. Ảnh: NT
Từ món ăn của nhà nghèo nay côn trùng đã giúp nhiều người dân Campuchia đổi đời nhờ bắt côn trùng bán đi các nước. Riêng với nhà quản lý du lịch Campuchia thì điều này còn có thêm ý nghĩa: Tạo thêm sản phẩm du lịch để góp phần làm hài lòng và giữ chân du khách ở lại lâu hơn nữa.