Top 15 xuất khẩu nông sản trên thế giới
Chia sẻ về câu chuyện đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới, Thứ trưởng NN-PTNT Hà Công Tuấn thừa nhận, năm 2018, dù đứng trước nhiều khó khăn thách thức nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt xấp xỉ 42 tỷ USD.
Tương tự, suốt 9 tháng năm 2019, các thị trường chính liên tục dựng rào cản kỹ thuật nhưng chúng ta vẫn đạt trên 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, phấn đấu năm 2019 đạt khoảng 41 tỷ USD, đáp ứng mục tiêu của Chính phủ.
Từ con số trên cho thấy, nông sản Việt ngày càng đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường, trong đó sản phẩm đồ gỗ, thủy sản nổi lên như những điểm sáng. Theo ông Tuấn, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản của chúng ta đã 73 tỷ USD, như vậy, giá trị thương mại quốc tế hai chiều lớn gấp 1,75 lần giá trị nông sản chúng ta sản xuất ra. Điều này chứng tỏ việc sản xuất của nông dân ngày càng đi theo tín hiệu thị trường, đáp ứng được yêu cầu đa dạng của từng thị trường.
Tham gia "chợ thế giới", nông sản Việt sẽ gặp khó vì vướng nhiều hàng rào phi thuế quan |
Tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần IV với chủ đề “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới” mới được diễn ra, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, nông nghiệp đã và đang có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, thể hiện qua sự thành công và xuất khẩu tăng trưởng. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.
Với kết quả này, Việt Nam đã từng bước khẳng định và tiếp tục củng cố vị trí là nước xuất khẩu nông sản lớn. Chúng ta thuộc nhóm top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, ông Hải cho hay. Đó là nhờ những chính sách thuận lợi hoá thương mại, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu của Chính phủ. Ngoài ra, không thể không kể đến vai trò quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Gần đây, Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới, cụ thể là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019 và Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết ngày 30/6/2019.
Theo lộ trình của hai hiệp định này, phần lớn hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên sẽ hưởng thuế ưu đãi. Cụ thể, với CPTPP, hầu hết hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm, ví dụ như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô,...
Còn với EVFTA, về góc độ mở cửa thị trường, hiệp định sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn.
Ngay khi hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
“Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Nông dân không thể đơn thương độc mã
Việc ký kết hai hiệp định thương mại được cho là cơ hội vàng của nông sản Việt tại thị trường hơn 1 tỷ dân. Song, các chuyên gia cho rằng, muốn đánh chiếm được “chợ" này cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Bởi thực tế cho thấy, khi hàng rào thuế quan không còn thì thay thế bằng hàng loạt hàng rào phi thuế quan.
Cần có sự liên kết trong sản xuất, ở đó doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt người dân ra "chợ thế giới" |
Để tận dụng được các FTA thế hệ mới, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Thương mại, khuyến cáo, trong việc xuất khẩu quan trọng nhất là truy xuất nguồn gốc. Nếu chúng ta hướng dẫn để nông dân có thể đưa ứng dụng blockchain vào sản xuất thì những lo ngại sẽ được giải tỏa dễ dàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Ngọc - Tổng Thư ký Tổng Hội NN-PTNT, khuyến nghị: “Với xu thế hội nhập thì hàng rào thuế quan sẽ dần dần được loại bỏ về 0, nên điều quan trọng nhất không phải là cung cấp thông tin mà là hướng dẫn nông dân làm như thế nào”.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, suốt thời gian qua, 10 triệu hộ gia đình đã là hạt nhân kinh tế, nỗ lực sản xuất để tạo ra bức tranh nông nghiệp như hiện nay. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng và biến động khó lường, nếu đứng riêng lẻ sẽ không thể đáp ứng được. Nông dân không thể đơn thương độc mã đi ra “chợ thế giới”, phải có doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt.
Ông Tuấn cho rằng, nếu chỉ có một mình nông dân, chắc chắn con đường của họ chỉ ra đến chợ làng, chợ huyện, còn vươn ra chợ thế giới thì doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Liên kết nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị là con đường tất yếu, là giải pháp, động lực để chúng ta phát triển nền sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị chưa được như mong muốn. Trong 50.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp thực chất chỉ có 1.000 doanh nghiệp trực tiếp liên kết với nông dân phát triển sản xuất; tương tự như vậy chỉ có khoảng 1.000 hợp tác xã có mô hình liên kết với nông dân.
Vì vậy, cần tiếp tục tạo cơ chế để doanh nghiệp tìm đường về với nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn. Điều quan trọng là tạo ra một sân chơi bình đẳng, tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nhân phải tự tìm cho mình con đường, đồng hành cùng nông dân chinh phục thêm nhiều thị trường mới.