Vụ thâu tóm lại Uber tại thị trường Đông Nam Á đáng lẽ phải là một chiến công vang dội dành cho Grab nhưng ở thời điểm hiện tại, khi mà các thủ tục sáp nhập vẫn chưa được hoàn tất thì những động thái từ các cơ quan quản lý lại cho thấy rằng đây không phải tin mừng, thậm chí còn có thể là một cơn ác mộng đối với ứng dụng gọi xe Grab.
Cụ thể thì theo thỏa thuận, Uber sẽ được nhận 27,5% cổ phần của Grab để bù lại dừng các hoạt động của mình tại các thị trường đang hoạt động không mấy hiệu quả tại Đông Nam Á. Thỏa thuận này cho phép Uber được giải phóng nguồn lực của mình và tập trung cho những khu vực có hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Ngoài ra thì các nhân sự của Uber tại 8 thị trường này đều đang được xem xét để chuyển sang Grab.
Chiến lược của Grab khi đưa ra bước đi này khá đơn giản, đó là loại bỏ đối thủ cạnh tranh trực tiếp, tiếp quản lại các nhân viên cùng đội ngũ lái xe. CEO của Grab, Anthony Tan cho biết rằng vụ sáp nhập này có thể làm trì hoãn thêm khoản lợi nhuận của Grab nhưng tương lai lâu dài sẽ giúp công ty thu về lợi ích lớn hơn.
Bước đầu tiên của kế hoạch sáp nhập là Uber đóng cửa tại các thị trường Đông Nam Á đã được thực hiện từ đầu tháng 04 vừa qua. UberEats sẽ được nhập vào với GrabFood vào cuối tháng 05 này. Về phía Grab thì công việc phía trước đó là chiếm lĩnh thị phần do Uber để lại cũng như tiếp quản khách và lái xe của Uber.
Hiện tại, đã qua hơn một tháng kể từ khi Uber chính thức đóng cửa nhưng có vẻ như quá trình sáp nhập này nảy sinh nhiều rắc rối hơn dự đoán của nhiều người với những khúc mắc về quy định của các cơ quan quản lý thuộc từng quốc gia, của những lo ngại từ phía khách hàng.
Dễ thấy nhất trong các rắc rối nảy sinh trong phi vụ sáp nhập này đó là mối lo ngại của các cơ quan quản lý đối với sự độc quyền của Grab sau khi loại bỏ Uber ra khỏi thị trường Đông Nam Á.
Tại Singapore và Phillipines, cả hai đơn vị này đều được yêu cầu kéo dài thêm thời gian hoạt động của Uber để chính quyền có thêm thời gian tìm hiểu kĩ lưỡng về thương vụ sáp nhập này. Cụ thể thì tại Singapore, vào đầu tháng 5 vừa qua đã ra yêu cầu đình chỉ quá trình sáp nhập của Grab và Uber bởi cho rằng thương vụ này vi phạm vào điều 54 trong luật Cạnh tranh, quy định về chống độc quyền kinh doanh dịch vụ.
Ở một số quốc gia khác như Indonesia và Malaysia, chính phủ các nước này cũng đang yêu cầu xem xét lại vụ sáp nhập. Và ngay tại Việt Nam chúng ta, trong ngày 18/5 vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã ban hành Quyết định số 64 điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber.
Trước những quyết định kéo dài thời gian sáp nhập của Uber và Grab do chính quyền tại các quốc gia Đông Nam Á đưa ra, dễ thấy rằng người gặp khó khăn chính là Grab bởi đơn vị này đang phải chịu toàn bộ chi phí phát sinh trong quá trình tiếp quản lại Uber. Phía Uber thì cho rằng thương vụ đã xong và mình không còn trách nhiệm gì kể cả khi quá trình tiếp quản bị kéo dài thêm nữa:
"Uber đã rút khỏi 8 thị trường tại Đông Nam Á và hiện tại tôi đang quản lý 10 thay vì 18 thị trường như trước đây. Ngân quỹ và nhân sự cho các thị trường này đã không còn nữa. Và chúng tôi không có dự định ở lại lâu hơn để làm gì cả." Brooks Entwistle, phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Uber trả lời chính phủ Phillipines vào đầu tháng vừa qua.
Rõ ràng, việc Grab và Uber thỏa thuận sáp nhập với nhau nhưng chỉ thông báo trước hai tuần là không đủ thời gian cho các đơn vị quản lý xem xét kĩ càng tính chất của thương vụ sáp nhập này và đây cũng là điểm mấu chốt tạo nên rắc rối giữa Grab với chính quyền tại các quốc gia Đông Nam Á dù vụ sáp nhập đã được thông qua. Và các rắc rối với chính quyền sẽ còn gia tăng nhất là khi lo ngại về sự độc quyền của Grab đang dần được các chính phủ tại Đông Nam Á quan tâm nhiều hơn.
Một trong những rắc rối khác của thương vụ này chính là việc tiếp quản lại hơn 500 nhân viên của Uber tại khu vực Đông Nam Á.
Thách thức của Grab lúc này không chỉ là việc đưa ra cơ chế đánh giá, tiếp nhận lại các nhân sự cũ của Uber như thế nào mà họ còn cần phải làm điều này nhanh nhất có thể. Bởi hiện tại, đối thủ mới của Grab là Go-Jek và nếu quá trình tiếp quản nhân viên diễn ra quá lâu, một bộ phận không nhỏ nhân viên cũ của Uber sẽ có thể được Go-Jek chiêu mộ và đây chắc chắn là tình huống mà Grab không mong muốn một chút nào.
Trang TechCrunch đã phỏng vấn một số nhân viên cũ của Uber và họ cho biết rằng quá trình tiếp nhận của Grab diễn ra rất chậm chạp, một số còn cảm thấy như là mình đã bị Uber bỏ rơi hoàn toàn trong thương vụ sáp nhập này.
Các nhân viên của Uber còn chia sẻ rằng họ thậm chí còn bị cấm không được ứng tuyển các vị trí làm việc cho Uber tại các thị trường khác nơi ứng dụng này vẫn còn hoạt động bởi theo thương vụ này thì giờ họ đã thuộc quyền quản lý của Grab.
Hiện tại, thông báo duy nhất của Grab đưa ra về vấn đề chuyển giao nhân sự mới chỉ dừng ở mức hứa hẹn sẽ trả lương cho các nhân sự cũ "gần bằng" với mức Uber từng trả trước đây. Không hề có một quy ước cụ thể về mức lương "gần bằng" này là bao nhiêu, thay vào đó Grab chỉ đưa ra thêm phương án nếu người lao động lựa chọn không gia nhập Grab, họ sẽ được nhận một mức bồi thường tùy theo luật quy định tại địa phương.
Có thể thấy rằng trong thương vụ sáp nhập này của Uber và Grab, nhân viên tại Uber gần như không có quyền quyết định số phận của mình. Họ chỉ có thể lựa chọn gia nhập Grab, nhận mức lương do Grab quy định hoặc nghỉ việc mà thôi.
Ứng dụng gọi xe Go-Jek đến từ Indonesia cũng đang trong quá trình mở rộng và đặt chân vào thị trường Việt Nam, Singapore, Phillippines và đang dốc toàn lực vào việc thu hút lại đội ngũ nhân sự cũ của Uber cùng các tài xế không muốn đầu quân cho Grab.
Tất nhiên, Go-Jek sẽ không tuyển mộ lại toàn bộ nhân sự cũ của Uber nhưng việc một số lượng không nhỏ nhân viên của Uber vẫn chưa chính thức gia nhập vào Grab cũng đã tạo tiền đề khá tốt cho Go-Jek giải bài toán về nhân sự trong kế hoạch mở rộng vươn tới các thị trường ngoài Indonesia.
Bên cạnh Go-Jek thì Grab cũng phải chú ý tới khá nhiều startup trong lĩnh vực logistic mới như NinjaVan, các nhà cung ứng dịch vụ ship đồ ăn như Deliveroo hay FoodPanda, các ứng dụng chia sẻ xe đạp ngày càng nhiều... Hay thậm chí các công ty lớn về công nghệ như Facebook, Google cũng đang nhăm nhe tuyển lựa các quản lý tài năng cũ của Uber tại thị trường Đông Nam Á để bổ sung vào đội ngũ nhân sự của mình.
Không chỉ gặp khó khăn trong cạnh tranh về nhân sự, cốt lõi chính của dịch vụ mà Grab cung cấp nằm ở các tài xế cũng là vấn đề mà Grab cần phải cân nhắc. Tại một số thị trường như Thái Lan, Singapore, các tài xế cũ của Uber đã được chuyển sang Grab nhưng một bộ phận than phiền khá nhiều về sự bất cập khi sử dụng ứng dụng Grab, một phần lại cho rằng khi chuyển sang Grab, thu nhập của họ bị giảm đi rõ rệt. Hiện tại Grab mới chỉ công bố rằng mình đã kí kết xong với 75% các tài xế Uber cũ tại Indonesia, số liệu tại các quốc gia Đông Nam Á khác vẫn chưa được công bố dù đã qua hơn một tháng kể từ khi tiến hành sáp nhập.
Trong một bài viết trên TechCrunch, tác giả Harry Campbell đã đưa ra nhận định rằng "Khi sáp nhập các tài xế Uber cũ thường cảm thấy chán nản hơn. Bởi theo quy luật cạnh tranh với sự tồn tại của hai công ty đối thủ, các tài xế sẽ lựa chọn bên phù hợp với mình hơn. Chắc chắn phải có những lý do để khiến các tài xế này lựa chọn Uber ngay từ đầu thay vì Grab."
Với khách hàng cũng tương tự, họ buộc phải làm quen với việc sử dụng Grab thay vì Uber và cũng đã có khá nhiều lời than phiền về những tính năng khác nhau giữa hai ứng dụng này. Cơ chế quy định giá khác nhau của hai ứng dụng cũng là điều khiến khách hàng cũ của Uber cảm thấy phân vân.
Tất cả những yếu tố trên sẽ trở thành một cơ hội khá lớn cho Go-Jek bước vào các thị trường Đông Nam Á ngoài Indonesia, nơi mà Uber đã bỏ lại khoảng trống về thị phần, để lại đội ngũ nhân sự, tài xế cùng khách hàng khá lớn mà Grab vẫn chưa thể tiếp quản hết trong một sớm một chiều.
Theo một thống kê từ 5000 khách hàng tại Singapore, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Phillippines thì khoảng trống Uber để lại là rất lớn bởi từ trước khi ứng dụng này ra đi, khoảng cách về thị phần của Grab và Uber tại các quốc gia này tương đối nhỏ. Và nếu Go-Jek có thể thế chỗ Uber một cách thành công thì chắc chắn ứng dụng này sẽ lại trở thành một đối thủ đáng gờm của Grab tại thị trường Đông Nam Á.