Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2018 kinh phí quản lý bộ máy bảo hiểm xã hội được duyệt là trên 15.000 tỷ đồng. Nhưng bảo hiểm xã hội không tiêu hết, còn thừa trên 5.000 tỷ so với con số được duyệt.
Hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, nghìn người sai quy định
Kiểm toán Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018, Kiểm toán Nhà nước kết luận một số bảo hiểm xã hội tỉnh chưa rà soát chặt chẽ đối tượng hưởng một số BHXH một lần.
Kết quả kiểm toán phát hiện 1.695 trường hợp hưởng một số bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nhưng vẫn tham gia đóng một số bảo hiểm xã hội trong thời gian một năm kể từ ngày nghỉ việc với số tiền hưởng 38,68 tỷ đồng.
Tình trạng này xảy ra ở 58/63 tỉnh thành. Trong đó, nhiều nhất là Bắc Giang với 398 trường hợp và tổng số tiền 6,5 tỷ đồng; Bắc Ninh 126 trường hợp với số tiền 2,6 tỷ đồng; Thanh Hóa 110 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu bổ sung cam kết của người đề nghị được hưởng chế độ BHXH một lần vào đơn đề nghị để đảm bảo tính pháp lý và nâng cao trách nhiệm của người đề nghị; rà soát 1.695 trường hợp hưởng BHXH một lần không đúng quy định để tổ chức thu hồi về các quỹ bảo hiểm theo quy định.
Rà soát hàng nghìn trường hợp hưởng BHXH một lần không đúng quy định để thu hồi |
Kiểm toán còn phát hiện một số cơ quan BHXH chưa kiểm tra, rà soát khi cấp sổ bảo hiểm dẫn đến còn tình trạng một số lao động có nhiều hơn 1 sổ BHXH. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu khẩn trương cấp mã số BHXH cho người tham gia bảo hiểm xã hội, mỗi người chỉ được cấp duy nhất một mã số và mỗi mã số chỉ được cấp duy nhất cho một người; rà soát việc cấp sổ BHXH, tránh trường hợp một người có nhiều sổ BHXH gây khó khăn trong việc quản lý, rà soát đối tượng đóng BHXH.
Kết quả thanh, kiểm tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2019 phát hiện hơn 105.000 lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm nhưng chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng của cả 3 quỹ là 280 tỷ đồng.
Tiêu không hết 15 nghìn tỷ chi cho quản lý bộ máy
Theo Kiểm toán Nhà nước, kinh phí chi quản lý bộ máy đã sử dụng đề nghị quyết toán trong năm là 10.176 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 66,7% tổng kinh phí được sử dụng trong năm (15.245 tỷ đồng).
Như vậy, chi phí quản lý bộ máy chưa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiêu hết.
Những năm qua, chi quản lý bộ máy BHXH liên tục tăng. Năm 2015 dự toán kế hoạch chi của BHXH được Thủ tướng phê duyệt mới dừng ở con số 6.560 tỷ đồng. Còn năm 2014 số chi quản lý bộ máy còn thấp hơn nhiều.
Nguyên nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, đó là do hạch toán không đúng niên độ kế toán chi phí thuê nhà, chi phí dịch vụ kênh thuê riêng năm 2019 vào chi phí năm 2018 số tiền 7,8 tỷ đồng... Một số khoản kinh phí (rà soát sổ bàn giao người sử dụng, cấp mã số sổ BHXH, mua sắm tài sản...) năm 2018 không còn nhiệm vụ chi nhưng các tỉnh chưa chuyển trả về các quỹ bảo hiểm 23 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số dự án hạ tầng kỹ thuật thông tin đặt ra yêu cầu đối với một số tính năng của thiết bị cao hơn nhu cầu thực tế ở thời điểm trang bị; thiết kế chi tiết nhằm triển khai các thiết kế sơ bộ.
Năm 2018 BHXH Việt Nam đã đầu tư các quỹ bảo hiểm và phân bổ lãi đầu tư đúng quy định, đảm bảo an toàn và tăng trưởng quỹ. Trong năm 2018, lãi phải thu từ hoạt động đầu tư 42.755 tỷ đồng, lãi đã thu 41.977 tỷ đồng.
Tuy nhiên, “trái đắng” cho Công ty Cho thuê tài chính ALC I và ALC II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vay từ nhiều năm trước khiến đến nay BHXH vẫn chật vật thu hồi số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Tại Công ty Cho thuê tài chính ALC I, BHXH Việt Nam đã thu hết nợ gốc từ năm 2014; năm 2018 thu được 0,75 tỷ đồng tiền lãi; đến 7/10/2019 còn phải thu 23 tỷ đồng tiền lãi.
Đáng lưu ý, tại Công ty cho thuê tài chính ALC II, tòa đã có Quyết định tuyên bố phá sản nhưng ALC II còn nợ Bảo hiểm xã hội Việt Nam hơn 1.600 tỷ đồng (gốc 769 tỷ đồng, lãi 882 tỷ đồng) và chấm dứt thực hiện tính lãi từ 31/7/2018.
Lương Bằng