Vụ ly hôn ngàn tỷ giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chính thức kết thúc theo quyết định giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao.
Tổng tài sản được phân chia có giá trị hơn 7.900 tỷ đồng (quy đổi từ cổ phần ra tiền). Theo đó, bà Thảo được chia 3.245 tỷ đồng (40%), ông Vũ được chia 4.687 tỷ đồng (60%).
Khối tài sản mà bà Thảo nhận về gồm 7 bất động sản giá trị 375 tỷ đồng; tiền vàng ngoại tệ trị giá 1.764 tỷ đồng; toàn bộ tài sản tại Công ty Trung Nguyên International (Singapore) và hơn 1.300 tỷ đồng do ông Vũ thanh toán chênh lệch.
Phía ông Vũ giữ toàn bộ số cổ phần đang đứng tên của ông và bà Thảo tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Định giá khối tài sản chung của ông Vũ – bà Thảo, nhất là với giá trị của Tập đoàn Trung Nguyên hơn 5.700 tỷ đồng gây ra nhiều bàn luận trái phiếu trong giới đầu tư. Mức giá này chỉ tương đương từ 1 – 1,2 lần P/B là thấp hơn rất nhiều nếu đem so với một doanh nghiệp có hoạt động lõi tương đương trên thị trường chứng khoán CTCP Vinacafe Biên Hòa (P/B gần 4 lần). Mặt khác, Trung Nguyên lại là công ty cà phê có vị thế dẫn đầu Việt Nam, định giá hợp lý còn có thể cao hơn.
Nhiều ý kiến đồng tình việc phân chia tài sản dựa trên mức định giá này thì phía bà Thảo có phần thiệt thòi. Trên thực tế bà Thảo cũng hết lần này lần khác tỏ ra không phục phán quyết của Tòa, kéo cuộc ly hôn đến tới vòng cuối cùng.
Nhưng dù sao phán quyết cũng đã được đưa ra, khối tài sản được chia 3.245 tỷ đồng là con số lớn, đủ sức gây dựng lên một doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực tiêu dùng tại Việt Nam.
Tham chiếu trên thị trường chứng khoán, tài sản được chia của bà Thảo đang nhỉnh hơn một chút so với giá trị của Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), CTCP Sữa Quốc tế (IDP). Cả hai công ty đang được định giá gần 3.000 tỷ đồng.
Nhìn rộng hơn, khối tài sản đó có thể mua đứt (trên 51%) hàng loạt công ty tên tuổi khác bao gồm: Vinacafe Biên Hòa (vốn hóa 6.512 tỷ đồng), Mộc Châu Milk (5.940 tỷ đồng), PAN Group (5.185 tỷ đồng)…
Bản thân bà Thảo cũng đã gây dựng riêng cho mình thương hiệu cà phê King Coffee dựa trên nền của công ty Trung Nguyên International từ cuối năm 2016.
Doanh thu của công ty này tăng trưởng ấn tượng và đạt gần 1.500 tỷ đồng năm 2019. Biên lợi nhuận gộp đạt trên 15% và đây là một công ty có lãi dù cho chỉ khoảng vài chục tỷ đồng.