Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã chứng khoán SAB) đã công bố BCTC quý 1/2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.
Cụ thể doanh thu thuần đạt 7.306 tỷ đồng tăng 24,7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp đạt 2.177 tỷ đồng – tăng 27% so với quý 1 năm ngoái.
Trong kỳ doanh thu tài chính của Sabeco giảm mạnh từ 417 tỷ đồng xuống còn 228,8 tỷ đồng, bù lại các chi phí đồng loạt giảm mạnh.
Kết quả LNST đạt 1.236 tỷ đồng tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái, LNST thuộc về công ty mẹ là 1.171 tỷ đồng tương đương EPS đạt 1.779 đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu thuần và LNST đã được cải thiện do tác động mạnh mẽ từ việc mở cửa trở lại của thị trường sau thời gian đóng cửa cùng với các chương trình khuyến mãi tập trung cho sự kiện Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó Sabeco cũng đã thực hiện kiểm soát tốt các chi phí bán hàng và chi phí quản lý.
Tính tới 31/03/2022, tổng tài sản của SAB giảm nhẹ 2% so với đầu năm xuống 29.887 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 19.630 tỷ đồng, chiếm 65,7% tổng tài sản; Ngoài ra, Công ty đã giảm được nợ phải trả 827 tỷ đồng, tương ứng giảm 10% so với đầu năm chủ yếu do giảm phải trả ngắn hạn khác.
Năm 2022, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 34.791 tỷ đồng và 4.581 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 17% so với mức thực hiện năm 2021.
Ban lãnh đạo Sabeco nhận định, ngoài những thách thức đến từ sự bùng phát của dịch bệnh Covid và Nghị định 100/2019/ND-CP liên quan đến cấm lái xe khi đã uống rượu bia có hiệu lực, điểm sáng tạo nên động lực trong năm 2022 là duy trì sự bình ổn trong mảng sản xuất, kinh doanh khai thác thị trường nội địa với sức mua của hàng chục triệu dân do Chính phủ Việt Nam kiểm soát dịch bệnh.
Về thị trường bia năm 2022, ban lãnh đạo Sabeco cũng đánh giá ngành bia Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hai vấn đề chưa từng có tiền lệ là Đại dịch Covid và quy định đồ uống có cồn phải trả 3 loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt).
Về thị trường, ngành dịch vụ ăn uống đã hoạt động trở lại sau thời gian dài hoạt động cầm chừng có thể giúp tăng tiêu thụ sản lượng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, ngành sản xuất kinh doanh bia vẫn gặp những thách thức chung như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khan hiếm hàng hoá, cước vận tải tăng,… Thêm vào đó, sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần.