Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói tài khoản của ACV đang có khoảng 30.000 tỷ đồng, đại diện ACV cũng rất lạc quan về dòng tiền cho dự án đặc biệt như sân bay Long Thành.
Cả ngày 14/10, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1.
Và, một đề xuất rất đáng chú ý từ Chính phủ là chỉ định thầu cho ACV đầu tư và khai thác sân bay này , trong khi theo quy định của Luật Đấu thầu (khoản 3 điều 1) phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đề xuất chỉ định thầu một doanh nghiệp cụ thể chứ không phải là xin cơ chế khiến Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn ngay từ đầu phiên họp. Không chỉ bởi vì từ xưa đến nay Quốc hội chưa bao giờ chỉ định cho doanh nghiệp nào đầu tư công trình nào cả, mà còn băn khoăn về khả năng tài chính của ACV.
Hiện AVC cũng đang đầu tư nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất, tới đây là sân bay Điện Biện thì liệu khả năng tài chính của ACV có làm được không? Chúng ta giao cho AVC giai đoạn 1 thì giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án có giao nữa không? Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi.
Hồi âm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, vốn của ACV thì Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã kiểm tra chặt chẽ, tài khoản của ACV đang có khoảng 30.000 tỷ. Giai đoạn tới mỗi năm sẽ tăng khoảng 10.000 tỷ. Khoản đầu tư cho sân bay Long Thành Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ, Bộ trưởng Thể cam kết.
Ông Thể cũng nói thêm, hiện ACV đang quản lý, khai thác 21/22 sân bay của cả nước nhưng chỉ có 8 sân bay quốc tế có lợi nhuận còn lại làm nhiệm vụ chính trị là chính, như sân bay Điện Biên lỗ nhưng không thể bỏ được vì còn phục vụ an ninh quốc phòng.
Vì thế, theo Bộ trưởng Thể thì nếu giao cho ACV đầu tư sân bay Long Thành thì sẽ giúp cho điều hành sân bay khác tốt hơn, vì nguồn thu từ đây dự kiến là rất lớn.
Phiên thảo luận chiều cùng ngày, đại diện ACV cho biết đã tính toán để dành nguồn vốn 70.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành, đến 2025 nguồn tích luỹ này có thể được 80.000 đồng. Tính tới thời điểm cuối tháng 8 năm nay, số tiền ACV trích riêng cho hoạt động đầu tư phát triển tiếp theo là 36.000-37.000 tỷ đồng.
Với số vốn cần huy động thêm, lãnh đạo ACV cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã ký thoả thuận được với gần 20 tổ chức tài chính, trong đó có nhiều ngân hàng quốc tế với nguồn vay hơn 4 tỷ USD (thời hạn vay 15 năm, gia hạn 5 năm, lãi suất 4-5,5%/năm). Và huy động được nguồn tiền lớn như vậy là do uy tín của Tổng công ty chứ không xin bảo lãnh của Chính phủ.
Về lo ngại có rủi ro hay không, vị này cho biết đã có những kịch bản đánh giá rủi ro theo tăng trưởng trung bình hay tăng trưởng cao. Rủi ro lớn nhất là về tỷ giá khi tiền ngoại tệ phải đi vay thì ACV có nguồn ngoại tệ thu từ các hãng quốc tế, khách bay quốc tế. Đó là công cụ quản lý rủi ro tốt nhất, hiệu quả nhất.
Vẫn theo đại diện ACV, nếu dự báo thận trọng thì 2026 cũng đã có 22 triệu khách, bắt đầu thu lại tiền đầu tư. Từ 2026-2030 tích luỹ hơn 5 tỷ USD, sẵn sàng cho các dự án đầu tư phát triển tiếp theo như mở rộng nội bài, làm giai đoạn 2 Long Thành.
Liên quan đến tài chính của ACV, tờ trình báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành của Chính phủ gửi Quốc hội, tại phụ lục 6 đã nêu khá nhiều thông tin về nhu cầu, kế hoạch cân đối nguồn lực của ACV để đầu tư công trình này.
Cụ thể, giai đoạn 1, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ACV khoảng 98.014 tỷ đồng (4,194 tỷ USD), để đảm bảo khả năng trả nợ thì yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 30%, bằng 1,258 tỷ USD.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của ACV, đến ngày 31/12/2018 ACV đã tích luỹ được lượng tiền mặt là 24.268 tỷ đồng. Giai đoạn 2019 -2025 dự kiến tăng trưởng doanh thu bình quân 8-10%/năm, lợi nhuận trước thuế 10-12%, lợi nhuận sau thuế 10-12%/năm.
Số liệu chi tiết được nêu tại phục lục này cho thấy số tiền ACV tích luỹ được tăng dần, từ 8.304 tỷ năm 2019 đến 17.729 tỷ năm 2025, tổng cả giai đoạn là 83.737 tỷ đồng.
Phụ lục này cho biết, dòng tiền còn lại của ACV đến năm 2025 sau khi chi đầu tư 21 cảng hàng không (không bao gồm khu bay) là 12.339 tỷ đồng. Như vậy, nguồn tích luỹ (vốn tự có) mà ACV cân đối từ 2019 - 2025 là 24.268 tỷ đồng + 12.339 tỷ đồng = 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, lớn hơn vốn tự có tối thiểu là 1,258 tỷ USD để đầu tư dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Về giai đoạn 2 (2026- 2030) tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 2,8 tỷ USD, Chính phủ cho biết ACV đảm bảo cân đối đủ nguồn tiền, không sử dụng vốn vay để thực hiện đầu tư giai đoạn 2 sân bay Long Thành.
Tiếp đó, giai đoạn 3, nhu cầu vốn dự kiến khoảng 7,419 tỷ USD, trung bình dòng tiền tích luỹ của ACV khoảng 30.000 tỷ đồng/năm thì ACV tiếp tục đầu tư là khả thi.