Nhờ được học nghề, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay... nên nhiều nông dân ở Nam Định đã mạnh dạn xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình. Sau thời gian triển khai, các mô hình đều phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Tô Xuân Hiệp - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định cho biết, những năm qua, việc triển khai thực hiện đề án dạy nghề do các cấp Hội ND tỉnh Nam Định đảm nhận đã có sự chuyển biến tích cực, tạo điều kiện để hội viên có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất, làm giàu cho gia đình và xã hội; góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Được đào nghề nuôi trồng thủy sản bài bản, nhiều nông dân ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) có thu nhập cao. Ảnh: T.H
Các cấp Hội đã phối hợp với sở, ngành, các trung tâm, các trường tổ chức 367 lớp hệ sơ cấp nghề ngắn hạn cho trên 12.100 hội viên nông dân với các nghề: May công nghiệp, may túi sách xuất khẩu, nuôi trồng thủy, hải sản... Sau thời gian 3 tháng đào tạo nghề, các học viên đã được các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất lớn có nhu cầu tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định từ 3,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp cũng được coi trọng. Hội thường xuyên phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp, nhà khoa học để xây dựng các chương trình, dự án, tạo các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất. Đồng thời để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Hội ND các cấp đã tổ chức triển khai chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho các hộ được tham gia vay nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các tổ chức tín dụng... qua đó xây dựng các mô hình điểm để nhân ra diện rộng.
Bình quân hàng năm, Hội ND các cấp trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thu hút hội viên tham gia. Cụ thể từ năm 2014-2019 các cấp Hội đã tổ chức được 10.235 lớp tập huấn KHKT cho 918.631 lượt hội viên nông dân; phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại (Bộ NNPTNT) tổ chức chương trình “Nhịp cầu nhà nông”, tạo điều kiện cho trên 200 hội viên nông dân giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia, giáo sư đầu ngành về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Đặc biệt, việc đào tạo nghề nuôi trồng thủy, hải sản ở một số huyện như: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy... đã giúp người dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng hoặc vài tỷ đồng/năm.
Các ngành nghề truyền thống của huyện như dệt chiếu, khâu nón, móc sợi, mộc, nề, đan manh, hộp cói xuất khẩu, làm hương, may công nghiệp và dịch vụ vẫn duy trì và phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống cho nhiều gia đình hội viên.