-Việc sửa Nghị định 20 cho phép hồi tối thuế sẽ tác động như thế nào đến tình hình tài chính của doanh nghiệp?
Đậy là một sự hỗ trợ rất lớn của chính phủ dành cộng đồng doanh nghiệp, và chưa có tiền lệ, với khoản tiền được hoàn tính toán lên tới 4.785 tỷ đồng và tác động với trên 1.000 doanh nghiệp.
Chính sách tạo ra sự hỗ trợ kịp thời và cần thiết cho các doanh nghiệp từ việc giảm số thuế phải nộp, tăng khả năng cân đối dòng tiền để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và sớm vượt qua khủng hoảng. Thêm nữa, với chi phí trần lãi vay lên đến 20% - 30% giúp cho các doanh nghiệp có kế hoạch tài chính kinh doanh hợp lý hơn trong năm 2020.
Mặt khác, chính sách này cũng giúp tăng niềm tin cho doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng của pháp luật. Theo đó, nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế, kê khai thuế sai sẽ bị truy thu, tính lãi chậm nộp và xử phạt theo đúng quy định, tuy nhiên, nếu chính sách nào đó đã ban hành chưa phù hợp thì Chính phủ, Bộ Tài chính sẵn sàng điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
-Các thông tin trình bày trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp có bị ảnh hưởng gì nếu thực hiện hồi tố thuế?
Điểm sửa đổi chính của Nghị định sửa đổi là tăng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay thuần được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 20% lên 30% trên tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm tính thuế cộng chi phí lãi vay thuần và chi phí khấu hao phát sinh. Việc tăng tỷ lệ khống chế sẽ giúp doanh nghiệp giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số lỗ được chuyển.
Trên góc độ hạch toán kế toán và lập báo cáo tài chính, các doanh nghiệp sẽ cần tiến hành các công việc liên quan đến xử lý về thuế và kế toán, bao gồm: Xác định lại nghĩa vụ thuế TNDN từng năm: 2017, 2018 theo Nghị định mới; Xác định lại số thuế TNDN cần phải thu lại từ Ngân sách Nhà nước hoặc được bù trừ với số thuế TNDN còn phải nộp nếu được phép bù trừ của từng năm: 2017, 2018 theo Nghị định mới; Xác định số lỗ được chuyển nếu doanh nghiệp bị lỗ) cho các năm tính thuế tiếp theo và khoản thuế thu nhập hoãn lại, nếu có; và xử lý điều chỉnh sổ kế toán và lập báo cáo tài chính theo Thông tư số 200 và Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 29.
- Vậy khi thực hiện hồi tố khoản thuế theo Nghị định 20 sửa đổi, doanh nghiệp có cần phải điều chỉnh báo cáo tài chính của các năm trước không?
Theo các quy định kế toán hiện hành, việc hồi tố khoản lãi vay khống chế cho năm 2017 và 2018 nêu trên được xem là thay đổi chính sách của các cơ quan Nhà nước, do vậy doanh nghiệp không phải thực hiện điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính đã lập của các năm trước. Khoản thuế được hoàn nêu trên sẽ được hạch toán vào sổ kế toán và ghi nhận vào báo cáo tài chính của năm 2020.
-Ông có khuyến nghị gì với Chính phủ cũng như các doanh nghiệp?
Việc nâng trần khống chế chi phí lãi vay là một quyết định kịp thời của Chính phủ và phản ánh đúng thực tế hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong điều kiện quy mô vốn chủ sở hữu còn nhỏ, hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Do vậy, Chính phủ nên sớm ban hành Nghị định sửa đổi.
Các doanh nghiệp cần chuẩn bị trước các dữ liệu điều chỉnh cũng như các hồ sơ liên quan để sẵn sàng nộp/nộp lại tờ khai quyết toán thuế TNDN của các năm 2017, 2018 khi Nghị định mới được ban hành.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể tối ưu và cân đối được dòng tiền, phản ánh kịp thời các thông tin khi lập báo cáo tài chính để cung cấp cấp tới người sử dụng thông tin trung thực và tích cực về kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kép do dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tìm đến các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để được trợ giúp trong quá trình thực hiện điều chỉnh.
Cảm ơn ông!