Được mệnh danh ‘thủ phủ’ sản xuất mới, vì sao hàng Việt vẫn chưa được nhiều khách ngoại biết đến?

09/09/2024 03:53
Việt Nam sở hữu rất nhiều ngành hàng có thế mạnh lớn như dệt may, nông sản,...tuy nhiên chưa thực sự thành công trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Được mệnh danh ‘thủ phủ’ sản xuất mới, vì sao hàng Việt vẫn chưa được nhiều khách ngoại biết đến? - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Lợi thế chưa được phát huy

Dù Việt Nam được mệnh danh là thủ phủ sản xuất mới khi các doanh nghiệp đa quốc gia triển khai chiến lược “Trung Quốc+1”, rất ít thương hiệu nội được người tiêu dùng ngoại biết đến. Đây là nhận định các giảng viên ngành Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT chia sẻ trong Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu 2024 do Khoa Kinh doanh của trường tổ chức.

Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế tại RMIT, cho biết phần lớn doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nằm ở phân khúc có giá trị gia tăng thấp.

Ví dụ, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, hầu hết trong số này được xuất khẩu dưới dạng hạt thô. Tương tự, ngành dệt may Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng nhiều công ty chỉ tập trung vào gia công.

“Kết quả là, chỉ còn doanh thu khiêm tốn ở lại Việt Nam”, bà nói.

Trong khi đó, Thụy Sĩ là một ví dụ hoàn toàn ngược lại.

“Mặc dù nước này không thể trồng hạt ca cao thô do khí hậu, nhưng Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới với nhiều thương hiệu sô-cô-la cao cấp như Lindt và Toblerone”, Tiến sĩ Quyên cho biết.

Bà tin rằng để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam và cải thiện GDP bình quân đầu người, doanh nghiệp trong nước nên áp dụng những hướng tiếp cận sáng tạo bằng cách tập trung vào việc xây dựng năng lực dài hạn ngay từ những bước đầu tiên, nâng cao lợi thế cạnh tranh và mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Nhiều người giữ quan điểm truyền thống rằng doanh nghiệp nên có vị thế vững chắc trên sân nhà trước khi "đem chuông đi đánh xứ người”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Quyên lại đưa ra một cách nhìn khác: “Tại sao không làm cả hai cùng lúc hoặc xem xét mở rộng ra nước ngoài ngay sau khi có chỗ đứng trên thị trường nội địa?”.

Bà nhấn mạnh: “Việc các thương hiệu Việt có mặt trên thị trường toàn cầu có thể không quá xa vời nếu chúng ta thay đổi tư duy và hành động phù hợp”.

Bà Natalie Thuận Ngô đến từ Amazon Global Selling Vietnam cũng đồng quan điểm với chia sẻ trên: “Những thương hiệu này không nhất thiết phải đến từ các ông lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tạo nên những sản phẩm cây nhà lá vườn hấp dẫn người tiêu dùng toàn cầu”.

Được mệnh danh ‘thủ phủ’ sản xuất mới, vì sao hàng Việt vẫn chưa được nhiều khách ngoại biết đến? - Ảnh 2

Khách mời đến từ nhiều doanh nghiệp đã tham gia Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu 2024 và chia sẻ nhiều ví dụ kinh doanh thực tế.

Cần thay đổi tư duy và hành động

Thương hiệu thời trang của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, một trong những khách mời tại Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu của RMIT có thể là một ví dụ diển hình. Tuy chỉ mới lấn sân sang thị trường quốc tế chưa lâu, các thiết kế của Lê Thanh Hòa đã được rất nhiều ngôi sao quốc tế trưng diện tại những sự kiện tầm cỡ như lễ trao giải Oscar và Grammy hay liên hoan phim Cannes.

“Bằng cách tập trung vào sự kết hợp giữa các giá trị, câu chuyện văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam với sự sáng tạo hiện đại, khả năng linh hoạt trong quá trình làm sản phẩm, giá cả cạnh tranh, tay nghề thủ công cao, Lê Thanh Hòa cũng như các thương hiệu thời trang Việt có nhiều cơ hội ở thị trường thời trang quốc tế”, bà Quyên nhận định.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Quyên, Phó giáo sư Abel D. Alonso, giảng viên cấp cao ngành Kinh doanh quốc tế tại RMIT, cho biết: “Nhiều công ty Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc gia tăng giá trị như một công cụ để tiếp cận thị trường quốc tế. Họ tạo được chỗ đứng trong một môi trường kinh doanh cực kỳ cạnh tranh”.

Phó giáo sư Alonso chia sẻ ví dụ về DACE Việt Nam, một công ty hợp tác với hàng nghìn bà con nông dân trong nước nhằm đạt được khả năng kiểm soát chất lượng cao hơn, giúp cải tiến đáng kể các sản phẩm cuối cùng. Cách tiếp cận này đã đưa sản phẩm hữu cơ của DACE ra thế giới.

Chỉ hai năm sau khi thành lập vào năm 2013, DACE bắt đầu xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2018, công ty đã đạt được nhiều chứng nhận quan trọng (JAS Organic, EU Organic và USDA) giúp mở ra cánh cửa đến các thị trường tiêu dùng khắt khe hơn và nâng tầm hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó giáo sư Alonso cho biết: “Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệu suất xuất khẩu trong các hoạt động gia tăng giá trị như phát triển sản phẩm, nắm bắt thị trường, kỹ năng thương lượng, đàm phán, phân phối và quảng bá”.

“Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là dịch vụ hậu mãi lại chưa được xem là một yếu tố quan trọng”.

Theo Phó giáo sư Alonso, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều đang đầu tư ngày càng nhiều vào công nghệ chế biến hiện đại để đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế mới và nghiêm ngặt hơn.

Ví dụ, Công ty Organic Viet Food, một khách mời tại Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu 2024, đã gia tăng giá trị cho hạt điều bằng cách tạo ra những hương vị hấp dẫn và đóng gói tiện lợi cho người tiêu dùng để xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử Amazon. Các sản phẩm của công ty nhanh chóng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng Mỹ.

Thách thức của hàng Việt

Mặc dù Việt Nam có nhiều cơ hội để củng cố vị thế trong các chuỗi giá trị trên toàn cầu, chúng ta cũng phải giải quyết không ít thách thức.

Tiến sĩ Vũ Thị Kim Oanh, giảng viên ngành Kinh doanh quốc tế tại RMIT, chỉ ra rằng việc thiếu hụt cả lao động có tay nghề và lao động phổ thông có thể cản trở nỗ lực nâng tầm các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi xanh, nhu cầu sản xuất năng lượng quy mô lớn do sự phát triển kinh tế nhanh chóng, hay những điểm nghẽn trong cơ sở hạ tầng cũng là những thách thức không nhỏ.

Bà cho biết: “Các tổ chức tài chính, đồng minh quan trọng của doanh nghiệp trong việc giúp họ phân bổ nguồn lực rất cần thiết, cũng đối mặt với khó khăn”.

Tiến sĩ Oanh lấy ví dụ: “Trong trường hợp thiếu nguồn lực, họ cần phải nuôi dưỡng những thế hệ mới trên nhiều phương diện, bao gồm năng lực số, phát triển sản phẩm hoặc quan hệ đối tác”.

Điều này tương đồng với trải nghiệm thực tế của Artemis Digital, một công ty khởi nghiệp của Australia do ông Samuel Walter sáng lập. Đó cũng là một trong những lý do chính vì sao ông chọn Việt Nam làm điểm đến quốc tế đầu tiên cho doanh nghiệp mình.

Đối với ngành cà phê, các cuộc phỏng vấn và quan sát cho thấy những thách thức về tài chính ngăn cản hoặc hạn chế doanh nghiệp mua sắm thiết bị hoặc công nghệ mới, cũng như những trở ngại liên quan đến luật pháp, với thủ tục giấy tờ tốn thời gian và chậm phê duyệt.

“Hơn nữa, bằng chứng về khả năng truy xuất nguồn gốc hoặc sản xuất hữu cơ, cũng như các thủ tục chứng nhận nhằm tuân thủ các giao thức thị trường, có thể gặp phải nhiều rào cản và chi phí hành chính”, Tiến sĩ Oanh cho biết.

Tuy nhiên, việc đạt được những chứng nhận quan trọng như FDA là đáng giá bởi chúng mang lại lợi thế to lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Đây là nhận định của ông Dương Minh Tâm, một nhà khoa học, đồng thời là CEO của Công ty công nghệ sinh học Dương Gia K&T.

Với chủ đề “Nâng cao giá trị gia tăng để mở rộng và cạnh tranh toàn cầu – Nói đi đôi với làm”, Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu 2024 chào đón diễn giả đến từ nhiều doanh nghiệp như Amazon Global Selling Việt Nam, Artemis Digital, Công ty công nghệ sinh học Dương Gia K&T, Công ty Lê Thanh Hòa và Công ty Organic Viet Food.

Các ví dụ kinh doanh thực tế được chia sẻ tại sự kiện đem lại kinh nghiệm cho những doanh nghiệp Việt khác muốn vươn tầm quốc tế.

“Thế hệ chủ doanh nghiệp tiếp theo không nên tự giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam mà nên dám nghĩ lớn và có sự chuẩn bị phù hợp”, Tiến sĩ Quyên đúc kết.

Tin mới

Hyundai Thành Công Việt Nam sắp tổ chức ngày hội trải nghiệm đặc biệt dành cho khách hàng, nhiều mẫu xe hiệu năng cao hội tụ
8 giờ trước
Khách hàng sẽ được tham gia vào những hoạt động và trải nghiệm đặc biệt tại Hyundai Experience Day 2024 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Jaguar ra mắt xe mới gây tranh cãi: Thiết kế dị 'chẳng giống ai', màn hình ẩn dưới táp lô, chạy 770km/sạc
7 giờ trước
Ngôn ngữ thiết kế kỷ nguyên mới của Jaguar có thể nói là không giống ai trên thị trường hiện tại.
Trung Quốc cấm xuất khẩu loạt ‘hàng hiếm’ của thế giới sang Mỹ, láng giềng Việt Nam đang nắm sản lượng bỏ xa cả thế giới
5 giờ trước
Trung Quốc đã có động thái mới trước những can thiệp trong ngành công nghệ đến từ Mỹ.
5 chiếc tủ lạnh giá dưới 10 triệu, thích hợp nhà trọ, gia đình trẻ
5 giờ trước
Với ngân sách dưới 10 triệu đồng, bạn hoàn toàn có thể sở hữu những mẫu tủ lạnh tích hợp công nghệ hiện đại và đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng.
Độc lạ đệ nhất cua biển được trao vương miện như hoa hậu
4 giờ trước
Những chú cua có trọng lượng từ 0,5 kg trở lên được người dân Tiên Yên tuyển chọn kỹ càng để tham gia Hội thi đệ nhất cua biển và được vinh danh, trao vương miện như những cuộc thi hoa hậu.

Tin cùng chuyên mục

"Mỏ vàng" của Việt Nam tiếp tục "mang tiền về cho mẹ", có cơ hội thu về 16 tỷ USD trong năm nay
15 giờ trước
Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có triển vọng phát triển trong tương lai.
Kiểm soát chặt mua bán trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội
16 giờ trước
Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình yêu cầu tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn thương mại điện tử, đặc biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới; các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) mua, bán trực tuyến.
Xe hot của Honda nhận ưu đãi khủng: Giá Honda Vision, SH, LEAD... chạm đáy, có mẫu tặng kèm điện thoại Samsung
17 giờ trước
Honda Việt Nam vừa tung chương trình khuyến mại dành cho một số mẫu xe máy với giá trị ưu đãi lên tới 5 triệu đồng.
Giá USD hôm nay 3/12: Bật tăng trở lại sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump
18 giờ trước
Giá USD hôm nay 3/12 trên thế giới bật tăng trở lại trong phiên đầu tuần sau tuyên bố của Tổng thống tái đắc cử Donald Trump về việc áp thuế "100%" đối với hàng nhập khẩu từ khối BRICS. Trong nước, tỷ giá trung tâm vẫn không ngừng giảm, ở mốc 24.240 VND/USD.