Trong buổi chất vấn chiều này tại Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đã đặt vấn đề giải pháp căn cơ để giải quyết điệp khúc được mùa mất giá chưa hồi kết, sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường.
Trả lời câu hỏi, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, “được mùa, mất giá” là câu chuyện mà ông hay dùng từ “lời nguyền”. Khi cung vượt cầu khiến giá xuống là một quy luật kinh tế. Ông Hoan nhấn mạnh điều quan trọng là chúng ta không chế được quy luật kinh tế bằng hai cách: Một là khi dư thừa thì chúng ta biết cách tồn trữ, chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường; Thứ hai là chuẩn hóa nông sản để thị trường thông suốt, qua đó giảm áp lực.
“Tiêu chuẩn, quy chuẩn mặt hàng nông sản là những điều mà trong thời gian vừa qua Bộ NN&PTNT nhận khuyết điểm rằng chúng ta còn dễ dãi trong việc điều hành”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận khuyết điểm trước Quốc hội.
Ông Hoan nhấn mạnh chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, thông tin minh bạch số lượng mùa vụ cho từng loại nông sản, phân bổ trong từng loại thị trường: Xuất khẩu, nội địa.
Bộ trưởng Bộ NT&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội vào chiều nay (7/6)
Về câu chuyện nhiều nhà vườn phải phá bỏ vườn thanh long do bí đầu ra, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, gần 70.000 hộ trồng thanh long ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang thì chỉ có khoảng 1/20 trong đó là vào hợp tác xã.
Còn bà con ở bên ngoài thấy người ta làm thế thì làm theo, quy trình không đạt chuẩn, mùa vụ không đạt chuẩn. Ngoài ra là sự cạnh tranh giữa những người nông dân với nhau, giữa hợp tác xã này với hợp tác xã khác, giữa vựa này với vựa khác… tạo ra một sự bất ổn để chúng ta danh chính ngôn thuận có được một nguồn nguyên liệu ổn định.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT đã giao cho các viện nghiên cứu làm sao chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để làm sao chúng ta tiết giảm được chi phí đầu vào.
“Tôi làm việc với các cơ quan nước ngoài, người ta đang tiến đến một nền nông nghiệp với phương châm “ít hơn để được nhiều hơn”, tức tiết giảm đầu vào ít hơn, tối thiểu hóa chi phí song tối đa hóa lợi nhuận”, ông Hoan cho biết.
“Đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện”
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) băn khoăn về giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá phân bón tăng cao. Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo người dân sử dụng phân hữu cơ thay vô cơ. Tuy nhiên, tập quán sử dụng hữu cơ chủ yếu ở miền Bắc và Trung, bà con ĐBSCL chưa có thói quen này. "Bộ đã và sẽ làm gì để khuyến khích sử dụng phân hữu cơ trên cánh đồng?", ông Thái chất vấn.
Trả lời vấn đề của đại biểu Thái, Bộ trưởng Hoan dẫn một câu thơ nói về việc sử dụng phân bón của người dân tại ĐBSCL cách đây nhiều năm: “Đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện”. Theo ông Hoan, người nông dân ĐBSCL đã quen làm một vụ, hai vụ rồi ba vụ. Muốn tăng năng suất để tăng sản lượng phục vụ cho an ninh lương thực, cho xuất khẩu thì người nông dân tại đây đã một thời sử dung nhiều phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.
Để thay đổi tập quán không phải dễ bởi tồn tại lâu thì rất khó. Ngoài ra là, sự quan hệ “chằng chịt” giữa các đại lý vật tư phân bón với khắp ngõ ngách ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ NT&PTNT Lê Minh Hoan
Ông Hoan nhấn mạnh, vai trò cấp thiết tại ĐBSCL là phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại sản xuất, vận động bà con vào hợp tác xã. Khi vào hợp tác xã, bà con được tư vấn việc giảm dần, phối trộn giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, giữa thuốc bảo vệ thông thường và thực vật sinh học.
Theo ông Hoan, sáng nay, Bộ đã triệu tập cuộc họp với các giám đốc Sở Nông nghiệp để bàn về nhiều vấn đề. Bộ thành lập Văn phòng điều phối 13 tỉnh ĐBSCL về nông nghiệp, liên tục tổ chức diễn đàn, mời các doanh nghiệp về phân bón, thuốc để dẫn dắt bà con thay đổi.