Nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 dẫn đến khó khăn, đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn thì được quyền nợ lương nhân viên không quá 1 tháng.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Dù chưa đến mức phải cho nhân viên nghỉ việc nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đang lao đao do doanh thu giảm sút.
Nguyên tắc trả lương cho người lao động
Điều 96 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định: Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì được trả chậm không quá 1 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Theo điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP: Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì được trả chậm không quá 1 tháng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, pháp luật vẫn cho phép doanh nghiệp được nợ lương người lao động, tuy nhiên, chỉ được nợ trong một số trường hợp nhất định và không quá 1 tháng |
Đồng thời, việc trả thêm một khoản tiền do chậm trả lương được quy định như sau: Nếu trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố hoặc lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp mở tài khoản thông báo tại thời điểm trả lương.
Và như vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp, pháp luật vẫn cho phép doanh nghiệp được nợ lương người lao động, tuy nhiên, chỉ được nợ trong một số trường hợp nhất định và không quá 1 tháng.
Dịch bệnh Covid-19 là lý do bất khả kháng
Tại điều 96 Bộ Luật Lao động 2012 cũng như điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP về nguyên tắc trả lương không quy định trường hợp nào được coi là lý do bất khả kháng.
Nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 dẫn đến khó khăn, thì được quyền nợ lương nhân viên không quá 1 tháng, nhưng phải trả thêm một khoản tiền nếu chậm trả trên 15 ngày |
Tuy nhiên, khoản 2, điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động có liệt kê các lý do bất khả kháng bao gồm: Do địch họa, dịch bệnh; Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, khoản 1, điều 156 Bộ Luật Dân sự 2015 còn quy định: Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Do đó, có thể coi dịch bệnh Covid-19 là một lý do bất khả kháng. Nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 dẫn đến khó khăn, đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn thì được quyền nợ lương nhân viên không quá 1 tháng, đồng thời, phải trả thêm một khoản tiền nếu chậm trả trên 15 ngày.
(Theo NLĐ)